Thông qua nghị quyết thành lập TP Bến Cát và TP Gò Công

Google News

Chiều 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương và Nghị quyết về việc thành lập TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Tiếp chương trình Phiên họp thứ 31, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết: thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày các Tờ trình thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Thong qua nghi quyet thanh lap TP Ben Cat va TP Go Cong
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày các Tờ trình (Ảnh: QH).
Theo Tờ trình, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 02 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 xã An Điền và An Tây. 
Sau khi thành lập 02 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương: Tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng giảm 01 thị xã, 02 xã và tăng 01 thành phố, 02 phường. Tỷ lệ đô thị hóa là 84,95%.
Thành phố Bến Cát có 234,35 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 364.578 người, có 08 ĐVHC cấp xã (01 xã và 07 phường). Tỷ lệ đô thị hóa là 94,65%.
Với vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển KT-XH và đô thị hóa của 2 xã An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thị xã Bến Cát, việc thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương là cần thiết.
Về phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập phường 4 vào phường 1, nhập phường 3 vào phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.
Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa của 4 xã gồm Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận và Long Hòa; 4 phường là phường 1, phường 2, phường 3 và phường 4; và thị xã Gò Công, việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công là cần thiết.
Sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số ĐVHC cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 01 thành phố và giảm 01 thị xã; đồng thời giảm 02 ĐVHC cấp xã (tăng 02 phường, giảm 04 xã). Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tiền Giang là 18,40%.
Thành phố Gò Công có 101,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 151.937 người; có 10 ĐVHC cấp xã trực thuộc, gồm 07 phường và 03 xã (giảm 02 ĐVHC cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.
Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các địa phương để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ theo đúng quy định.
Đề nghị Chính phủ khi xem xét đề án sắp xếp ĐVHC của các địa phương cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp không sắp xếp ĐVHC vì yếu tố đặc thù (nếu có), bảo đảm đúng yêu cầu, quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Đồng thời quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường và thị xã dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là các tiêu chuẩn thành phần còn đạt ở mức thấp so với quy định.
Có phương án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn đã có mức độ đô thị hóa cao; thực hiện tốt phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Phạm Giang

>> xem thêm

Bình luận(0)