Cụ thể, chiều 18/2, trên mạng xã hội truyền tải văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng do Chủ tịch tỉnh Trần Văn Hiệp ký vào ngày 18/2 về việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học từ ngày 19/02 để phòng, chống dịch Covid-19. Các thông tin giả mạo nêu trên khiến nhiều người hoang mang, không biết đâu là thông tin chính xác.
|
Văn bản giả mạo về việc cho học sinh nghỉ học từ ngày 19/02. (Ảnh: VOV) |
Ngay khi nhận được tin báo, tối 18/2, trên cổng hành chính công, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phát đi thông báo khẩn để cảnh báo đây là thông tin giả mạo và đề nghị người dân cảnh giác khi nhận được thông tin giả mạo này trên zalo và các mạng xã hội khác. UBND tỉnh xác định trong ngày 18/2 không ban hành văn bản này.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã thông tin trên VOV, hiện đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn vào cuộc điều tra và xử lý vụ việc.
|
Trường tiểu học Trưng Vương, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. (Ảnh: Báo tin tức) |
Trước đó, ngày 16/2, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã triệu tập 4 học sinh THPT ở thành phố Bảo Lộc để làm rõ việc làm giả văn bản số 969/UBND-VX1 ngày 15/02 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, học sinh đi học trở lại từ thứ Tư ngày 17/02. Đáng chú ý, trong văn bản giả mạo, ngày đi học trở lại đã bị chỉnh sửa thành thứ Hai ngày 01/03.
|
Lực lượng chức năng làm việc với người vi phạm. (Ảnh: Vietnamnet) |
Lực lượng Công an đã xác định được em N.H.L, sinh năm 2005, học sinh lớp 10 là đối tượng làm ra văn bản giả mạo nêu trên. Em L cho hay đã tải văn bản 969 của UBND tỉnh trên mạng, sau đó dùng photoshop để chỉnh sửa “thứ Tư ngày 17/2/2021” thành “thứ Hai ngày 1/3/2021" rồi gửi vào nhóm chat bạn bè.
Theo em L, em chỉ giả mạo với mục đích trêu đùa. Tuy nhiên, sau đó văn bản này đã bị phát tán.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đối với hành vi đưa tin sai sự thật mà chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng, được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Nếu hành vi vi phạm là của cá nhân thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt nêu trên.
Trong trường hợp, hành vi thông tin sai sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, chính trị, văn hóa, xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288 bộ luật hình sự.
Riêng đối với hành vi làm giả văn bản thì đây là hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự.
Như vậy, riêng với hành vi làm giả văn bản thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự và phải đối mặt với hình phạt là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Cường cho biết thêm, đây là sự trả giá đắt, một hình phạt đích đáng cho hành vi coi thường pháp luật. Cần xử lý nghiêm các trường hợp như thế này để duy trì an ninh trật tự trên không gian mạng và để răn đe phòng ngừa chung trước tình trạng hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay.
>>> Mời các bạn xem thêm video: Triệu tập học sinh lớp 10 ở Lâm Đồng làm giả văn bản về việc nghỉ học
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp