Giả mạo văn bản cho học sinh TP HCM nghỉ học đến 21/2: Phạt mức nào?

Google News

(Kiến Thức) - Với hành vi giả mạo văn bản của Sở GD-ĐT TP HCM cho học sinh nghỉ học rồi đăng lên mạng xã hội để "câu like", gây xôn xao dư luận, người giả mạo văn bản sẽ bị phạt mức nào?

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản giả mạo chữ ký của ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM gửi trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19) gây ra.
Gia mao van ban cho hoc sinh TP HCM nghi hoc den 21/2: Phat muc nao?
Văn bản giả mạo đang lan truyền trên mạng.
Theo đó, nội dung văn bản ghi rõ học sinh sẽ được nghỉ học từ ngày 3/2 đến hết ngày 21/2, tức kéo dài thêm 5 ngày so với quyết định trước đó của UBND TP HCM với nội dung học sinh được nghỉ học đến hết ngày 16/2.
Ngay khi văn bản này được đăng tải trên mạng xã hội đã được chia sẻ chóng mặt gây hoang mang cho rất nhiều phụ huynh và học sinh.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Trung - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định văn bản trên là giả mạo, đăng tải thông tin không đúng sự thật.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết, đã yêu cầu công an phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố cùng với Sở Thông tin và truyền thông điều tra, xử lý người đăng tải văn bản giả này theo quy định pháp luật.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã phân tích về hành vi và mức phạt đối với người đăng tải văn bản giả mạo Sở GD-ĐT TP HCM.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, có thể nói rằng kể từ thời gian dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra đã có rất nhiều thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau.
Những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật như vậy làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình phòng, chống dịch bệnh và gây hoang mang trong dư luận. Bởi vậy không ít trường hợp đã bị phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng này có vẻ vẫn chưa dừng lại khiến dư luận rất bức xúc.
Gia mao van ban cho hoc sinh TP HCM nghi hoc den 21/2: Phat muc nao?-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Trong những đợt bùng phát dịch bệnh thời gian gần đây thì dịch bệnh Covid-19 là rất nguy hiểm, lây lan nhanh, hàng ngàn người đã tử vong, khó kiểm soát. Bởi vậy, ở nước ta nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học. Việc học sinh nghỉ học ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giáo dục, có thể làm xáo trộn đời sống của nhiều gia đình.
Vì thế, những thông tin về diễn biến dịch bệnh, khả năng kiểm soát dịch bệnh và tình hình học tập của học sinh là những thông tin hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Việc các đối tượng thông tin sai sự thật về việc cho học sinh nghỉ học sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, làm việc, sinh hoạt của nhiều người, ảnh hưởng đến chính sách phòng và điều trị bệnh.
Do đó, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ người nào đã đưa thông tin này, làm rõ hậu quả đã gây ra cho xã hội để có hình thức xử lý là xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về việc tung tin đồn thất thiệt.
Đối với hành vi đưa tin sai sự thật mà chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng, được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Nếu hành vi vi phạm là của cá nhân thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt nêu trên.
Trong trường hợp, hành vi thông tin sai sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, chính trị, văn hóa, xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288 bộ luật hình sự.
Riêng đối với hành vi làm giả văn bản của Sở GD-ĐT TP HCM thì đây là hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự.
Như vậy, riêng với hành vi làm giả văn bản của Sở GD-ĐT TP HCM thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự và phải đối mặt với hình phạt là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Cường cho biết thêm, đây là sự trả giá đắt, một hình phạt đích đáng cho hành vi coi thường pháp luật. Cần xử lý nghiêm các trường hợp như thế này để duy trì an ninh trật tự trên không gian mạng và để răn đe phòng ngừa chung trước tình trạng hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay.
>>> Xem thêm video: Xử phạt hành chính người tung tin sai sự thật về virus corona.
(Nguồn: Truyền Hình Nhân Dân)
Trước đó, ngày 5/2, công an huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng đã phạt 10 triệu đồng đối với chị L.T.K.T. (27 tuổi, trú tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) về hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội.
Cụ thể, chị T. đã viết trên trang Facebook cá nhân với nội dung: “Toang rồi các ông ơi. Ở Vsip mình đã có trường hợp người Trung Quốc lăn ra tại Công ty Regina Miracle. Mọi người cẩn thận nha. Tin chính xác 1.000/1.000 nhé. Help me”.
Sau khi thông tin chị T. đăng tải đã thu hút nhiều người quan tâm và được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng trong dư luận về dịch bệnh virus corona và trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng xác minh thông tin trên là không đúng sự thật và chị T. cũng thừa nhận đã bịa đặt thông tin để đăng tải lên mạng xã hội.
Quang Thịnh

>> xem thêm

Bình luận(0)