Ngày 22/4, trao đổi với PV Kiến Thức, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) cho thấy, một số hành vi sai phạm của một số cán bộ tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội).
“Sai phạm chủ yếu xảy ra trong việc tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ việc xét nghiệm, phòng chống COVID-19" - thiếu tướng Tô Ân Xô nói.
Ông cho biết, việc điều tra ở CDC Hà Nội đã diễn ra hơn một tuần nay dựa trên đơn tố giác tội phạm của người dân. Hiện cơ quan công an tiếp tục làm việc với nhiều cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ việc mua sắm trên.
|
CDC Hà Nội. |
Trước đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô từng cho biết, thông qua tin báo tố giác tội phạm tại trong việc mua các thiết bị y tế để phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo C03 và các đơn vị địa phương liên quan triển khai các biện pháp công tác xác minh, làm rõ với tinh thần làm khẩn trương, quyết liệt nếu phát hiện sai phạm phải được điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sáng 17/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhắc nhở một số đơn vị của Hà Nội, trong đó có CDC Hà Nội về việc rà soát mua sắm thiết bị y tế, máy xét nghiệm phải đảm bảo chất lượng, không được sai sót.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế Hà Nội rà soát lại toàn bộ quá trình mua sắm giai đoạn 1 của CDC Hà Nội và các bệnh viện, kiểm tra rà soát đã dùng những cái gì, còn cái gì; phải kiểm kê thống kê, đưa vào kho quản lý, sau này khi nào bắt đầu dịch cần dùng đến thì dùng. Tuyệt đối các bệnh viện và các trung tâm y tế không được dùng các trang thiết bị này phục vụ cho công tác khám chữa bệnh thông thường.
Ông Nguyễn Đức Chung nói rằng, đã chỉ đạo Công an thành phố, Sở Công Thương thường xuyên đi kiểm tra xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. Tuy nhiên vẫn có tình trạng, dấu hiệu này diễn ra, và không loại trừ có những sai sót của các đơn vị mua sắm của CDC Hà Nội và của các đơn vị.
“Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã triệu tập một số cán bộ của CDC để làm rõ việc mua sắm máy xét nghiệm, trong đó có cả nội dung liên quan đến các tỉnh thành khác”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID -19, Bí thư Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch.
Đồng thời cho hay, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu thanh tra thành phố vào cuộc từ sớm. Tất cả các trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm.
"Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID -19 TP Hà Nội là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm, không nương nhẹ với trường hợp nào. Trong dịch bệnh mà có các trường hợp này sẽ là những tình tiết tăng nặng" - ông Nguyễn Đức Chung nói.
Trao đổi với PV Kiến Thức về những thông tin trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo điều 4, Bộ luật hình sự 2015 đã quy định mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.
“Tố giác hoặc báo tin về tội phạm vừa là quyền và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trường hợp nếu người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự” - luật sư Thơm cho biết.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, trên cơ sở tin báo tố giác tội phạm về dấu hiệu sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại CDC Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An (C03) đã tiếp nhận giải quyết vụ việc theo quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự.
“Việc cá nhân tố cáo sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế để phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay là vụ việc rất nghiêm trọng nên cần thiết điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm làm thất thoát tiền bạc của Nhà nước” - luật sư Thơm nhận định và cho biết, nếu có sai phạm xảy là làm suy giảm niềm tin của người dân vào nỗ lực chung của Đảng và Nhà nước đang quyết tâm “chống dịch như chống giặc”.
Theo nội dung tố cáo, những sai phạm này chủ yếu liên quan đến việc nâng giá mua sắm thiết bị xét nghiệm cao hơn nhiều lần giá thị trường đã gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Luật sư Thơm cho hay, để có căn cứ xử lý vụ việc không làm oan người vô tội và không bỏ lọt hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hay không việc cấu kết nâng giá khống thiết bị máy móc thông qua các Hợp đồng mua bán và các tài liệu, chứng từ nhập khẩu, tài khoản thanh toán,…
Nếu Cơ quan điều tra có căn cứ xác định, người nào có trách nhiệm thực hiện việc mua sắm thiết bị phòng dịch COVID-19 mà cấu kết nâng khống trị giá thực để chiếm đoạt tiền của Nhà nước thì sẽ bị khởi tố về Tham ô tài sản.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự. Trường hợp người nào chiếm đoạt số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ phải đối mặt cao nhất đến tử hình. Lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội sẽ là tình tiết tăng nặng hình phạt theo điểm L, khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
>>> Mời độc giả xem video Mua máy xét nghiệm virus Corona: Triệu tập cán bộ CDC Hà Nội