Vẫn đảm bảo mục tiêu toàn diện
Là người đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh vào lớp 10, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Lý Thái Tổ cho biết, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay chỉ với hai môn thi Toán, Ngữ văn đã không còn phù hợp, vì khiến học sinh học lệch. Việc kết hợp xét tuyển với điểm học bạ bậc trung học phổ thông đôi khi ở nơi này, nơi kia cũng có thể nảy sinh những tiêu cực. Sự đánh giá của mỗi trường, mỗi giáo viên cũng có những khác nhau nhất định, có thể tạo nên sự chưa công bằng thực sự giữa các thí sinh.
“Vì thế, việc thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là điều cần thiết, nên làm trong điều kiện hiện nay. Bổ sung thêm môn Ngoại ngữ là hợp lý vì ngoại ngữ ngày càng có vai trò quan trọng. Thi bốn môn là phù hợp, không quá nhiều khiến các em áp lực, nhưng vẫn đảm bảo học sinh phải chú tâm học toàn diện vì đến tháng Ba mới công bố môn thi thứ tư. Theo đó, trong gần như suốt năm học, các em vẫn phải học tất cả các môn vì chưa biết môn nào sẽ được Sở lựa chọn để thi vào lớp 10, ” thầy Bình phân tích.
Cùng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, cho rằng đây là phương án phù hợp trong điều kiện hiện tại của Hà Nội.
“Phương án hiện nay rõ ràng không thể tiếp tục, nhưng phương án thi Toán, Văn và bài thi tổ hợp, gồm tổ hợp 4 môn Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc tổ hợp 4 môn Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học và Địa lý, lại khiến học sinh, phụ huynh cảm thấy quá nặng nề vì số lượng môn thi nhiều. Quyết định chọn phương án thi 4 môn của Ủy ban nhân dân thành phố là phù hợp vì số môn không quá nhiều nhưng học sinh vẫn phải học toàn diện hơn,” cô Nhiếp nói.
|
Từ năm 2019, học sinh Hà Nội sẽ thi vào lớp 10 với bốn môn thi. (Ảnh: TTXVN) |
Giảm áp lực cho học sinh
Việc Hà Nội chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 với bốn môn thi cũng khiến nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh được… thở phào nhẹ nhõm sau chuỗi ngày “nín thở” chờ đợi.
Theo thầy Phạm Ngọc Hưng, giáo viên môn Toán tại Hệ thống giáo dục Hocmai, cách thức thi sẽ quyết định đến cách thức giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Với phương án thi này của Hà Nội, học sinh sẽ phải học rất nhiều môn, học toàn diện ngay từ đầu năm học và đến tháng Ba, các em sẽ chỉ tập trung vào 4 môn thi. Như vậy, các em sẽ giảm được áp lực thi cử trong giai đoạn ôn thi nước rút trước kỳ thi.
Với các em học sinh và phụ huynh thì điều này càng có ý nghĩa thiết thực hơn.
“Trước đây, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phương án thi có bài thi tổ hợp, em đã rất lo lắng, vì như vậy, chúng em sẽ phải học toàn diện suốt năm học và giai đoạn cuối năm phải ôn tới 6 môn, sẽ rất căng thẳng. Bây giờ Sở chốt chỉ thi 4 môn, em thấy thoải mái hơn rất nhiều,” em Trần Phương Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) nói.
Đây cũng là tâm sự của chị Nguyễn Thanh Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Năm nay, con trai chị học lớp Chín nên từ tháng Tư, khi Hà Nội công bố thay đổi phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 vào năm 2019, chị thấp thỏm không yên.
“Tôi ủng hộ việc thay đổi kỳ thi để học sinh học toàn diện hơn, nhưng tôi cũng mong Sở sớm chốt phương án để học sinh và giáo viên có kế hoạch học tập từ đầu năm, phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm hơn. Nay phương án đã được chốt với bốn môn thi, tôi cũng thấy bớt lo so với khi Sở đưa dự kiến thi 6 môn,” chị Thủy nói.
Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản ký thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở đang chờ Ủy ban nhân dân thành phố cho ý kiến về kế hoạch triển khai kỳ thi. Sau khi có kế hoạch chi tiết, Sở sẽ công bố để học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà trường chủ động trong công tác dạy và học.