Thi trắc nghiệm môn lịch sử THPT quốc gia: Chiến thuật để đạt điểm cao

Google News

Để đạt điểm cao bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 thí sinh cần chú ý một số nguyên tắc dưới đây.

Thi trac nghiem mon lich su THPT quoc gia: Chien thuat de dat diem cao
 Thí sinh cần có chiến thuật làm bài thi môn Lịch sử một cách khoa học thì mới đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT, đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi năm 2019 sẽ có 40 câu hỏi với thời gian làm bài là 50 phút. Tỷ lệ câu hỏi nằm trong phần kiến thức lớp 11 chiếm 10% còn 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và không có nội dung kiến thức chương trình lớp 10.
Các câu hỏi trong đề thi vẫn được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng các câu hỏi khó cũng chỉ ở mức tương đối. Từ câu 35 đến câu 40 là những câu hỏi có mức độ khó cao nhất để phân loại thí sinh.
Dễ làm trước, khó làm sau
Đối với cách làm bài môn thi Lịch sử, thí sinh chỉ có 50 phút để hoàn thiện 40 câu hỏi trắc nghiệm và tô đáp án vào phiếu trả lời, vì vậy hãy phân bổ thời gian làm bài cho mỗi câu khoảng 1 phút. Nếu câu nào vượt quá lượng thời gian quy định thì hãy đánh dấu lại và chuyển sang câu khác, khi làm xong một lượt mới quay lại làm những câu chưa hoàn thành.
Vì bài thi trắc nghiệm các câu hỏi đều có thang điểm như nhau chứ không giống như bài thi tự luận vì vậy hãy làm những câu hỏi dễ, đơn giản trước, những câu khó để cuối cùng.
Tìm từ khóa
Đọc kỹ yêu cầu của câu hỏi và tìm “từ khóa”, có thể lấy bút chì khoanh tròn “từ khóa” đó để lựa chọn phương án trả lời với những kiến thức nào. Đây được xem là cách để học sinh giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm kiến thức.
Dùng kỹ năng loại trừ
 Nếu không nhớ chính xác các phương án trả lời một số câu hỏi thì không nên đoán mò hoặc làm theo kiểu “phủ xanh đất trống đồi trọc” một cách may rủi mà thí sinh cần dùng phương pháp loại trừ. Một khi thí sinh không có cho mình một đáp án trả lời thật sự chính xác thì phương pháp loại trừ cũng là một kỹ năng hữu hiệu giúp mình tìm ra câu trả lời đúng. Hơn nữa, thay vì đi tìm đáp án đúng, các em hãy thử tìm phương án sai cũng là một cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.
Cuối cùng, khi các em không còn cơ sở để loại trừ nữa thì nên dùng cách phỏng đoán để nhận thấy phương án nào khả thi hơn, đủ độ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời và đó là kỹ năng cuối cùng của các em.
Không được bỏ sót câu trả lời
Một nguyên tắc bất di bất dịch khi làm bài thi trắc nghiệm là không được bỏ trống câu trả lời. Để tránh bỏ sót những câu hỏi chưa hoàn thiện, thí sinh nên dành 5 phút cuối giờ để rà soát lại bài thi và phiếu trả lời.
Chuẩn bị tâm lý tốt
Việc không giải quyết được 1-2 câu hỏi khó trong bài thi Lịch sử khiến nhiều thí sinh nản lòng, bối rối dẫn đến không tập trung làm bài. Do vậy, các bạn nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng ngay từ ngoài phòng thi, không dành quá nhiều tâm huyết vào một câu hỏi mà nên biết bỏ qua khi cần thiết.
Đồng thời, hãy chuẩn bị một chai nước lọc để giúp bạn chống đỡ với thời tiết nóng nực của mùa hè cũng như lấy lại tinh thần tập trung khi làm bài. Tuy nhiên hãy nhớ bóc toàn bộ nhãn mác của chai nước trước khi mang vào phòng thi.
Theo Thanh Tùng/Đời sống pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)