Thể thao khiêu dâm: Trường hợp nào bị xử phạt?

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư cho rằng, trường hợp việc ăn mặc hở hang, không phù hợp với môn thể thao đi cùng với cử chỉ, ngôn ngữ, âm thanh mang tích chất kích dục, kích thích dâm ô…thì mới là hành vi khiêu dâm và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Từ ngày 1/8, Nghị định 46/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao sẽ có hiệu lực. Trong đó quy định hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực bắt đầu từ 01/8/2019.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao.
The thao khieu dam: Truong hop nao bi xu phat?
 Ảnh minh họa.
“Nội dung đang thu hút sự quan tâm chú ý của người dân là khoản 1 Điều 7 Nghị định này quy định hành vi vi phạm quy định hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Vậy chúng ta phải hiểu như nào đối với quy định này, hành vi tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy như thế nào thì có thể bị xử phạt theo quy định?”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo phân tích của Luật sư Cường, hiện chưa có văn bản pháp luật nào giải thích một cách chính thức về khái niệm "khiêu dâm". Tuy nhiên, khái niệm này cũng được đề cập rải rác ở một số văn bản. Ví dụ như tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có định nghĩa: "Khiêu dâm" là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục".
Điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/08/2010 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014) cũng định nghĩa: “Khiêu dâm” được hiểu là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam bao gồm: mô tả bộ phận sinh dục, khoả thân, mô tả khoả thân hoặc không khoả thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức. “Đồi truỵ” được hiểu là hành vi dùng những hình ảnh loã lồ, ngôn ngữ thô tục, quan hệ tình dục giữa người với súc vật, quan hệ tình dục từ ba người trở lên.
Mặc dù chưa đưa ra định nghĩa chính thức nhưng trong các văn bản pháp luật hiện hành đã có quy định các hành vi: Trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh có tính chất khiêu dâm, đồi trụy vào phim đã được phép phổ biến; sản xuất phim có nội dung khiêu dâm; Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim có nội dung khiêu dâm; Nhân bản phim, bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, đồi trụy; Biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm; tổ chức trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm; treo, trưng bày tranh, ảnh, lịch hay đồ vật khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy tại vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, nhà hàng karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc tại nơi hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác; dạy khiêu vũ có nội dung khiêu dâm, đồi trụy; xây dựng công trình mỹ thuật có nội dung khiêu dâm, đồi trụy là các hành vi bị cấm và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tại nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014) cũng đã quy định hành vi vi phạm quy định về sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao, trong đó có hành vi “sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện và thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam” có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Và hiện hay Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 tiếp tục ghi nhận và quy định hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy cũng là hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
“Như vậy, đây không phải là quy định mới. Tuy nhiên cần phải hiểu chính xác hành vi như thế nào là khiêu dâm và bị xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi khiêu dâm, đồi trụy trong hoạt động thể thao, thi đấu thể thao có thể hiểu là dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, hoạt động thể thao đòi hỏi người tập, người chơi phải mặc những trang phục thoáng mát, thoải mái, thấm hút mồ hôi, dễ cử động, di chuyển, ví dụ tập gym, bơi lội,… Do vậy, không phải tất cả các hành vi mặc quần áo thoải mái như vậy đều là khiêu dâm mà việc mặc quần áo của người chơi, người tập là để phục vụ cho hoạt động thể thao, phù hợp với bộ môn và đưa lại hiệu quả tập luyện. Việc ăn mặc để phục vụ cho mục đích tập luyện thể thao khác với mục đích khiêu dâm.
“Trường hợp việc ăn mặc hở hang, không phù hợp với môn thể thao đi cùng với cử chỉ, ngôn ngữ, âm thanh mang tích chất kích dục, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục,…thì mới là hành vi khiêu dâm và bị xử phạt vi phạm hành chính”, Luật sư Cường cho hay.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ VHTTDL diễn ra ngày 1/8, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL - ông Phạm Xuân Phúc cho biết, qua thực tế kiểm tra, một số môn thể thao hiện nay như Yoga đã xuất hiện Yoga khoả thân. Hoặc thậm chí thể dục dưỡng sinh cũng có những hình thức như "suối nguồn tươi trẻ". Những hoạt động như thế này không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Thậm chí, theo ông Phạm Xuân Phúc, Bộ VHTTDL còn biết cả môn dance sports cũng ăn mặc phản cảm và có những động tác biến tấu không phù hợp, hình thức tập luyện không đúng.
>>> Xem thêm video: Jennifer bất ngờ nhảy sexy điêu luyện
 


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)