Vi phạm liên quan dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra liên quan đến những vi phạm trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, cung cấp cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020).
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn. (Ảnh: Lê Hiếu)
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao quản lý dự án), có tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, chiều dài trên 98km. Dự án đi qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3 km; đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài 61 km. Dự án được chia thành 11 gói thầu xây lắp.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khánh thành, đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2022.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án khởi công từ ngày 16/9/2019. Trong quá trình thi công, các gói thầu xây lắp bị chậm tiến độ. Bộ GTVT đã 5 lần phải gia hạn tiến độ thực hiện. Quá trình thi công, có 6 mỏ đất được xác định trong hồ sơ thiết kế cung cấp cho dự án, nhưng thực tế không cung cấp, với tổng khối lượng theo thiết kế kỹ thuật là 0,78 triệu m3 (gồm các mỏ: số 4 xã Cam Hiển, Việt Long, Duy Thái, Gích Dương, Khe Băng, Trốc Voi).
Có 3 mỏ đất được xác định trong hồ sơ thiết kế thực tế cung cấp ít hơn khối lượng theo nhu cầu xác định tại bước thiết kế kỹ thuật (gồm mỏ Vũng Nhựa, Hiển Sỹ, Vũng Chòi).
Do thiếu đất đắp nền đường, Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền và phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế xin cấp phép khai thác một số mỏ mới và mở rộng một số mỏ đang khai thác để có đủ nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho dự án.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ nhận định: Chất lượng hồ sơ khảo sát được phê duyệt chưa đáp ứng dẫn đến thiết kế kỹ thuật xác định nhu cầu khối lượng đất đắp nền đường phải mua tại các mỏ trong khu vực không chính xác; thực tế thi công nhiều gói thầu khối lượng đất mua tại mỏ giảm đi, thậm chí không sử dụng đất mua tại mỏ.
Nhiều vị trí mỏ đất đắp có trong thiết kế nhưng thực tế khi tiến hành thi công không lấy được, nên phải tìm nguồn vật liệu xây dựng từ các mỏ khác hoặc đề nghị cấp mỏ mới để cung cấp cho dự án. Một số mỏ đá, cát thực tế không cung cấp hoặc cung cấp ít hơn khối lượng thiết kế.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2022.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chính xác về nguồn cung cấp vật liệu phục vụ dự án.
“Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chính xác về nguồn cung vật liệu (khối lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật) phục vụ dự án dẫn đến thiếu vật liệu đất đắp nền đường trong quá trình thi công” - Kết luận thanh tra nêu.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thi công các gói thầu xây lắp của dự án. Xử lý nghiêm với các nhà thầu thi công cầm chừng không đảm bảo tiến độ được phê duyệt.
Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo xem xét trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm đối với các mỏ đã hết hạn theo giấy phép khai thác nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa và cải tạo phục hồi môi trường.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án đầu tư công trên địa bàn, trong đó có cung cấp cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn; xử lý dứt điểm khối lượng khai thác tồn kho đối với mỏ đá Khe Lèn.