Thanh tra Chính phủ chỉ nhiều thiếu sót trong quản lý của UBND tỉnh Hải Dương

Google News

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của UBND tỉnh Hải Dương trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất giai đoạn 2016- 2020.

Chiều 7/6, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố công khai Kết luận thanh tra số 856/KL-TTCP ngày 31/3/2023 của Tổng TTCP về thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Hải Dương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai, giai đoạn 2016-2020.

Nhiều hạn chế trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản
Kết luận Thanh tra nêu rõ, về công tác đầu tư xây dựng, UBND tỉnh Hải Dương chưa ban hành quy trình, quy chế quản lý, chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, chậm phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng. Đồng thời, chậm quy hoạch phân khu các khu vực đô thị đối với 4/19 phường của thành phố Hải Dương. UBND thị xã Kinh Môn chậm phê duyệt quy hoạch phân khu các khu vực đô thị đối với 9/14 phường.
Thanh tra Chinh phu chi nhieu thieu sot trong quan ly cua UBND tinh Hai Duong
Trụ sở UBND tỉnh Hải Dương. 
Sở Tài chính, Sở Xây dựng công bố giá vật liệu, vật tư hàng tháng nhưng chưa đầy đủ theo quy định. Việc chậm quyết toán công trình, dự án hoàn thành vẫn chưa được xử lý triệt để.
Đáng chú ý, qua thanh tra 10 dự án đầu tư xây dựng (trong đó có 9 dự án vốn ngân sách và 1 dự án vốn BT) cũng cho thấy nhiều hạn chế, thiếu sót.
Cụ thể, dự án đường dẫn cầu Quang Thanh (huyện Thanh Hà) phê duyệt trong năm 2020 có trong Quy hoạch nông thôn mới năm 2019, nhưng không có trong Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hải Dương năm 2010. Sau đó dự án đã được cập nhật vào Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà năm 2021.
Công tác quản lý chi phí dự toán, chi phí hợp đồng của các dự án giao thông đê điều dân dụng còn hạn chế, thiếu sót. Có 3 dự án phải giảm trừ chi phí không thực hiện: chi phí xây dựng trạm biến áp, lắp đặt, tháo dỡ trạm trộn, khối lượng cọc Larsen, chi phí hoàn trả đường (dự án đầu tư xây dựng nút giao thông lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, QL5 và đường 390 tỉnh Hải Dương); chi phí thuê mặt bằng và hoàn trả công trình hạ tầng lân cận bị ảnh hưởng (dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao thông giữa đường dẫn cầu Hàn, đường Ngô Quyền và QL5, thành phố Hải Dương); công tác làm bãi đúc, láng bãi đúc (Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành giai đoạn 2).
Có 2 dự án chậm tiến độ gói thầu thi công xây lắp: Dự án đầu tư xây dựng khối nhà khám, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, dự án xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 38 với đường huyện 31, tỉnh Hưng Yên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đến thời điểm thanh tra chưa tiến hành điều chỉnh tiến độ hợp đồng.
Có 3 dự án không gia hạn thời gian bảo lãnh tạm ứng khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng gồm Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành giai đoạn 2; dự án xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 38 với đường huyện 31, tỉnh Hưng Yên đoạn qua huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, dự án cải tạo, nâng cấp đường huyện ĐH1 huyện Ninh Giang.
Công tác quản lý, sử dụng đất đai có nhiều thiếu sót
Về công tác quản lý, sử dụng đất đai, kết luận thanh tra nêu rõ, UBND tỉnh Hải Dương chậm ban hành một số quy định nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật về đất đai theo thẩm quyền được giao.
Kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với một số chỉ tiêu còn đạt tỷ lệ thấp như đất an ninh tỷ lệ thực hiện đạt 49,2%, khu công nghiệp 32,3%; cụm công nghiệp 53,4%; đất thương mại dịch vụ 29,4%...
Việc cập nhật chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính còn chậm, chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, do vậy việc cập nhật chỉnh lý biến động chưa được thực hiện đồng bộ, liên thông giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân còn đạt tỷ lệ thấp đối với đất nông nghiệp (33,7%), đất sản xuất kinh doanh 44,8%.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các chủ đầu tư, doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp. Báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, tính đến thời điểm thanh tra, trên địa bàn tỉnh còn 26 dự án khu đô thị, dân cư đã được giao đất với tổng diện tích hơn 290 ha nhưng chưa được xác định tiền sử dụng đất, trong đó có 18 dự án được giao đất trước năm 2021, vi phạm quy định tại khoản 3, điều 108, Luật Đất đai 2013. Sau thời gian thanh tra trực tiếp, UBND tỉnh Hải Dương đã từng bước khắc phục, đã phê duyệt giá đất với 6 dự án, Sở TNMT đã trình thẩm định phương án giá đất đối với 4 dự án, đã thuê đơn vị tư vấn, rà soát hoàn thiện phương án giá đất đối với 10 dự án.
Qua thanh tra 16 dự án sử dụng đất cho thấy còn một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm.
Theo đó, có 7/16 dự án có hạn chế, thiếu sót về công tác quy hoạch như thời điểm phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng có chức năng sử dụng đất còn chưa phù hợp, đồng bộ với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (sau đó được cập nhật, điều chỉnh); quy hoạch xây dựng tại khu công nghiệp có lô đất y tế chưa phù hợp với chức năng sử dụng đất khu công nghiệp. Khi phê duyệt quy hoạch xây dựng, chủ trương đầu tư không xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch khoáng sản.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng cơ bản và kinh doanh hạ tầng khu dân cư, dịch vụ thương mại phía Bắc thị trấn Ninh Giang có chất lượng quy hoạch dự án còn nhiều bất cập, phải điều chỉnh nhiều lần, nội dung điều chỉnh manh mún, việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án điều chỉnh chậm, kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng. Dự án Khu dân cư Đại An II việc triển khai các bước về lập quy hoạch kéo dài, điều chỉnh cơ cấu, ranh giới cho thuê đất nhưng chưa kịp thời thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định, từ đó dẫn đến chậm lựa chọn chủ đầu tư dự án làm giảm hiệu quả sử dụng đất.
Có 13/16 dự án có hạn chế thiếu sót như chậm phê duyệt giá đất, xác định bổ sung tiền sử dụng đất khi chưa điều chỉnh quy hoạch hoặc giao đất bổ sung, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là tạm tính, phê duyệt giá đất cho cả phần diện tích đất chưa được giao. Chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định 5 năm. Không xác định cụ thể diện tích từng loại đất dẫn đến diện tích đất phải nộp tiền thuê đất không thống nhất tại các hồ sơ, tài liệu. Chậm thu nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
Có đến 4 dự án đã được giao đất trên 1 năm nhưng vẫn chưa phê duyệt giá đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất như dự án Khu đô thị Đại Sơn, dự án đầu tư xây dựng cơ bản và kinh doanh hạ tầng khu dân cư, dịch vụ thương mại phía Bắc thị trấn Ninh Giang, dự án Khu dân cư, dịch vụ, thương mại phía Bắc thị trấn Phú Thứ, dự án khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo.
Có 7/16 dự án có hạn chế, thiếu sót, vi phạm khi phê duyệt giá đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất. Cụ thể, việc xác định tổng mức đầu tư dự án có một số chi phí chưa phù hợp hoặc vẫn để khoản thuế VAT trong tổng chi phí hạ tầng kỹ thuật của chi phí phát triển giả định để tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, làm phát sinh bổ sung tiền sử dụng đất phải nộp. Chậm xác định khối lượng, thẩm định dự toán đối với một số hạng mục có giá trị đầu tư tạm tính; không tiến hành các thủ tục về quản lý đất đai, không có hợp đồng thuê đất dẫn đến không xác định tiền thuê đất kịp thời.
Trong đó, có dự án xác định tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất hoặc bàn giao đất thực tế như dự án Khu dân cư Bắc đường 52m thuộc dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại – du lịch – văn hóa và độ thị mới phía Tây, TP Hải Dương theo hình thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Có 4/16 dự án có hạn chế, thiếu sót, vi phạm về trình tự, thủ tục như thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện thủ tục báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư; thu hồi đất để thực hiện dự án khi chưa tiến hành đầy đủ trình tự, thủ tục sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định, chậm hoặc chưa tiến hành thủ tục giao đất, bàn giao đất trên thực địa cho chủ đầu tư khi đã giải phóng mặt bằng xong, chậm tiến độ do vướng mắc trong GPMB.
Có 4/16 dự án có hạn chế, thiếu sót, vi phạm về trật tự xây dựng như Chủ đầu tư dự án tổ chức thi công khi chưa được cấp phép xây dựng, không thực hiện các thủ tục thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc đóng cửa mỏ khu vực dự án. Trong đó, dự án Khu dân cư Đại An II, Công ty CP Đại An đang tạm quản lý đất khu vực dự án, chưa được lựa chọn chính thức làm chủ đầu tư đã thi công đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật, tiến hành xây dựng nhà trên một số ô đất, vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất và trật tự xây dựng.
Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng,quản lý sử dụng đất đai nêu trên thuộc trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực giai đoạn 2016-2020 và thời kỳ có liên quan. Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, ngành phụ trách lĩnh vực; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phụ trách lĩnh vực giai đoạn 2016-2020 và thời kỳ có liên quan, các cơ quan, đơn vị được kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sai phạm Công ty gạch không nung Lạng Sơn

 

Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)