Thanh niên gây sự đánh nhau, CSGT Sapa nhìn rồi bỏ đi: Lỗi hành xử?

Google News

(Kiến Thức) - Chứng kiến cảnh tượng hai nam thanh niên đánh nhau, hai cán bộ CSGT Công an huyện Sa Pa không can ngăn mà còn lẳng lặng lên xe chuyên dụng phóng đi là hành vi vô cảm, thiếu trách nhiệm. ứng xử không đúng chuẩn mực, đạo đức công an nhân dân.

Vụ 2 CSGT thuộc Công an huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) bỏ đi khi thấy 2 nam thanh niên gây sự đánh nhau, mà không ở lại can ngăn, xử lý đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo đó ngày 19/12, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài khoảng 1 phút ghi lại cảnh 2 nam thanh niên to tiếng và lao vào đánh nhau tại thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, Lào Cai).
Đáng chú ý, thời điểm xảy ra sự việc, ngoài một số người dân còn có 2 CSGT chứng kiến sự việc ngay từ đầu. Tuy nhiên, hai CSGT này không can ngăn. Thậm chí một CSGT đã kéo cán bộ còn lại và cả hai lặng lẽ lên xe chuyên dụng rời đi mặc cho hai nam thanh niên đánh nhau sau đó. Cách ứng xử của hai CSGT trên khiến dư luận bức xúc ngay khi xem clip ghi lại vụ việc.
Liên quan vụ việc trên, Lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lào Cai, cho biết đơn vị đã nắm được thông tin sự việc, đã xem đoạn clip ghi lại vụ việc trên và đang đề nghị Công an huyện Sa Pa tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc. Lãnh đạo này cho biết, 2 CSGT trên thuộc đội CSGT Công an huyện Sa Pa.
Thanh nien gay su danh nhau, CSGT Sapa nhin roi bo di: Loi hanh xu?
 Hình ảnh hai CSGT lái xe bỏ đi khi chứng kiến hai nam thanh niên ẩu đả.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo nội dung phản ánh, có thể nói rằng đây là hành vi vô cảm, thiếu trách nhiệm, ứng xử không đúng chuẩn mực, đạo đức công an nhân dân của hai cán bộ x (tỉnh Lào Cai). Do vậy, sự việc này cần phải xác minh làm rõ và có hình thức xử lý đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, dưới góc độ xã hội, khi thấy người khác gặp nguy hiểm hoặc xảy ra cãi vã, xô xát thì những người biết, chứng kiến sự việc có trách nhiệm giúp đỡ, can ngăn.
Trong khi đó đối với những người thuộc lực lượng vũ trang công an nhân dân vốn mang trọng trách bảo vệ pháp luật, được trang bị vũ khí, được huấn luyện để xử lý những vụ việc như vậy. Tuy nhiên, hai cán bộ CSGT này lại thờ ơ, làm ngơ, bỏ mặc người khác trong tình trạng nguy hiểm, không xử lý hành vi gây rối trật tự, gây thương tích thì quả là rất tắc trách, không phù hợp với văn hóa, đạo đức và không phù hợp với chuẩn mực xã hội và pháp luật.
Thanh nien gay su danh nhau, CSGT Sapa nhin roi bo di: Loi hanh xu?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Theo luật sư Cường, cách đây không lâu cũng đã từng xảy ra trường hợp CSGT đứng nhìn nạn nhân bị đâm chết mà không có hành động nào can thiệp, sau đó người này đã bị kỷ luật. Tuy nhiên, vụ việc đó đến nay vẫn khiến nhiều người bức xúc và thấy buồn về hành vi vô cảm, thiếu trách nhiệm của một số người thực thi công vụ.
"Khi xảy ra những vụ việc mình hoặc người khác bị tấn công, có nguy cơ bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản thì pháp luật cho phép mọi công dân đều có quyền phòng vệ chính đáng, chống trả lại một cách cần thiết đối tượng đang tấn công mình hoặc đang tấn công người khác để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình hoặc của người khác, đây là một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, phù hợp với văn hóa tương thân tương ái, giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn", luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video CSGT Lào Cai bỏ đi khi thấy hai thanh niên cãi vã đánh nhau:
  
Thực tế, rất nhiều người dân khi chứng kiến sự việc như vậy đều đã can thiệp, không quản ngại nguy hiểm, nhằm cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm và xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật. Đối với người thực thi công vụ, những người có kĩ năng, nghiệp vụ trong việc giữ gìn an ninh trật tự thì càng phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong những tình huống như thế này.
Bởi vậy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng để ngăn chặn, giảm bớt những vụ việc đau lòng có thể xảy ra, thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả thì cần phải xem xét xử lý kỷ luật đối với những cán bộ vô cảm như thế này.

Theo quy tắc ứng xử của Công an nhân dân được quy định tại Thông tư số 27/2017 của Bộ Công an có hiệu lực kể từ ngày 6/10/2017, cụ thể tại điều 6 nêu rõ: "Thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật và tự nguyện, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Tại điều 7, ứng xử với người vi phạm pháp luật cũng quy định rõ, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Công an trong đấu tranh, xử lý đối với người phạm tội và người có hành vi vi phạm pháp luật khác.

Kiên quyết, mưu trí, dũng cảm, khôn khéo trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý vi phạm phải khách quan, trung thực đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; Khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)