Liên quan đến vụ việc “Thanh Hóa xóa rừng phòng hộ làm du lịch?” mà Kiến Thức đã phản ánh ở những bài viết trước. Mới đây, PV đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền, người đã ký các quyết định “xóa” rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương và giao đất cho Công ty TNHH SoTo làm dự án du lịch.
Trong cuộc trao đổi, ông Quyền cho biết mọi việc đã được HĐND tỉnh thông qua, cũng như được sự chấp thuận đồng ý của Bộ NN&PTNT.
|
Cảnh rừng phòng hộ ven biển PV chụp ngày 28/11/2018, nơi tỉnh Thanh Hóa khẳng định không còn rừng phòng hộ. |
Khi PV đề nghị làm việc trực tiếp để đối thoại về các nội dung mà người dân phản ánh, ông Quyền yêu cầu PV làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa. Sở sẽ cung cấp tất cả các tài liệu trả lời cho những câu hỏi mà Kiến Thức đã đặt ra.
Tuy nhiên, cả 2 lần PV đến Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa để đặt lịch làm việc thì lãnh đạo đều không có mặt. Không biết là “vô tình hay hữu ý” mà các lần PV đến liên hệ làm việc thì đều được nhân viên thông báo lại rằng lãnh đạo đi công tác (?!)
|
Văn bản 3756 trình Bộ NN&PTNT và phụ lục kèm theo. |
Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa “né” PV, chúng tôi đến làm việc với Chi cục Lâm nghiệp (trực thuộc sở). Tại đây, PV được cung cấp một số tài liệu, văn bản liên quan. Song, tất cả những tài liệu mà Chi cục Lâm nghiệp cung cấp không có văn bản nào thể hiện nội dung: Bộ NN&PTNT đồng ý cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với dự án Đô thị du lịch sinh thái Tiên Trang như lời Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền nói.
|
Văn bản trả lời số 3012 của Bộ NN&PTNT. |
Trong văn bản số 3756/UBND-NN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 9/4/2018, do ông Nguyễn Đức Quyền ký, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn hoặc báo cáo cấp thẩm quyền chấp nhận, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội…
Trong đó, tổng cộng 27 dự án, tỉnh Thanh Hóa đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng trồng ven biển trên đất khác ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 7 dự án.
Trong đó, dự án Tiên Trang nằm ở mục 6 phụ lục kèm theo, có ghi rõ là rừng trồng ven biển ngoài quy hoạch lâm nghiệp theo Quyết định 3230/QĐ-UBND ngày 29/8/2017. Diện tích chuyển đổi của dự án Tiên Trang 14,70 ha rừng. Hiện trạng được xác định tại thời điểm kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành.
Trong văn bản trả lời số 3012/BNN-TCLN của Bộ NN&PTNT ngày 20/4/2018 , có nội dung thực hiện chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017, của Chính phủ… Ở mục 2 ghi rõ: Đối với 5/27 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng… phải được Chính phủ quyết định chủ trương theo quy định tại Nghị Quyết số 71 ban hành chương trình hành động thực hiện chỉ thị số 13-CT/TW.
Trong phụ lục kèm theo của 5 dự án theo văn bản trả lời 3012, không có Dự án đô thị sinh thái Tiên Trang.
PV chưa rõ ý kiến của Bộ NN&PTNT như thế nào đối với dự án đang gây lùm xùm ở Quảng Xương hiện nay. Nhưng rõ ràng, không rõ căn cứ nào mà Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng dự án đã được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT.
Nếu nói như Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Nguyễn Đức Quyền thì chẳng khác nào Bộ NN&PTNT đồng ý với việc xóa rừng phòng hộ. Bởi lẽ, thực tế hiện nay rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương còn rất nhiều. Nhưng trong Quyết định 3230 ngày 29/8/2017, quy hoạch rừng phòng hộ của huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa khẳng định không có bất cứ diện tích rừng nào còn tồn tại, tất cả đều phải trồng mới.
|
Rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương được PV chụp tháng 11/2018, nhưng tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng trên địa bàn không còn rừng phòng hộ bằng văn bản 3230. |
Chỉ hơn 2 tuần sau khi có văn bản trả lời 3012, trong văn bản số 1278/SNN&PTNT-LN ngày 8/5/2018 do giám đốc Lê Như Tuấn ký, đã báo cáo UBND tỉnh xem xét, chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng đô thị… đối với dự ản của công ty SoTo.
Văn bản này cũng thừa nhận: Đối tượng chuyển đổi là Rừng trồng ven biển ngoài quy hoạch lâm nghiệp theo Quyết định số 3230, nguồn gốc trước đây là rừng phòng hộ ven biển theo Quyết định 2755 (?!)
Như vậy, rõ ràng Quyết định 3230, quy hoạch rừng phòng hộ của huyện Quảng Xương chỉ còn có 64,28 ha. Trong 64,28 ha đó, không có bất cứ diện tích rừng nào còn tồn tại, tất cả đều phải trồng mới. Nhưng văn bản số 3756/UBND-NN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 9/4/2018, do ông Nguyễn Đức Quyền ký, lại “thừa nhận” đang có 14,70 ha rừng có ghi rõ là rừng trồng ven biển ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Một câu hỏi nữa được đặt ra, gần 300 ha rừng phòng hộ ven biển theo Quyết định 2755, do chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi ký ngày 12/9/2007, bỗng biến mất hoàn toàn trong Quyết định 3230 đã đi đâu?
Thực tế PV ghi nhận tại thực địa thì nó chẳng mất đi đâu cả, diện tích rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương còn rất nhiều. Chỉ có điều, nó đã bị tỉnh Thanh Hóa “xóa sổ” trên văn bản. Và người dân địa phương đang cho rằng, tỉnh đang ban hành những văn bản nhằm tạo điều kiện cho công ty SoTo tiện bề làm dự án du lịch Khu đô thị sinh thái biển Tiên Trang. Mặc dù, dự án này đã dậm chân tại chỗ cả 10 năm nay.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc "Thanh Hóa xóa rừng phòng hộ làm du lịch?".