Xóa rừng phòng hộ ven biển để làm dự án du lịch
Như đã đưa tin ở bài trước, "Thanh Hóa xóa rừng phòng hộ để làm dự án du lịch?". Sau khi ban hành quyết định 3230, tỉnh Thanh Hóa khẳng định huyện Quảng Xương không còn rừng phòng hộ, trong khi PV Kiến Thức ghi nhận thực tế thì chứng minh điều ngược lại.
|
Ảnh rừng phòng hộ ven biển Quảng Xương, Thanh Hóa mà PV chụp 28/11/2018. |
Cụ thể, trong Quyết định số 3230/ QĐ-UBND (phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng ở tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 -2025) do Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền ký ngày 29/8/2017, thì gần 300 ha rừng phòng hộ đang tồn tại trên địa bàn huyện Quảng Xương bỗng dưng biến mất một cách khó hiểu?
Việc 1 quyết định không đúng với thực tế, xóa sổ rừng phòng hộ ven biển mà người dân vun trồng, bảo vệ trong hàng chục năm khiến người dân địa phương bức xúc.
Cũng vì văn bản 3230, mà những dải rừng phi lao với mục đích chắn sóng, chống sạt lở, phòng hộ ven biển… đang bị chặt phá không thương tiếc.
Điều đáng nói là gần 1 năm sau khi ký văn bản 3230, ngày 14/5/2018, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền tiếp tục ký ban hành Quyết định số 1756/QĐ-UBND về việc Phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng Đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang, huyện Quảng Xương.
Một trong những căn cứ chính của văn bản này là dựa trên Quyết định 3230, và những căn cứ khác là Thông tư số 829/QĐ/BNN-TCLN ngày 03/3/2006 “về việc phê duyện đề án trồng rừng thay thế…”; Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 01/8/2017 về việc phê duyệt đơn giá trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
|
Liệu việc xóa sổ rừng phòng hộ trên văn bản có nhằm mục đích dọn đường cho dự án khi đô thị du lịch? |
|
Quyết định 1756 ngày 14/5/2018 do ông Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền ký. |
Quyết định này cho phép công ty TNHH Soto chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích 32,39 ha. Tổng kinh phí mà SoTo phải nộp tiền ủy thác trồng rừng thay thế là 1.510,99 triệu đồng ( một tỷ năm trăm mười triệu chín trăm chín mươi chín ngàn đồng).
Trong quyết định này cũng thừa nhận diện tích chuyển đổi "trước đây là rừng phòng hộ ven biển theo Quyết định số 2755 của UBNT tỉnh Thanh Hóa ngày 12/9/2007".
Trong khi đó, người dân vẫn chưa định hình được công ty SoTo sẽ trồng rừng thay thế trên diện tích nào của huyện Quảng Xương khi mà diện tích rừng hiện có vẫn đang tồn tại?
"Phải chăng, chính quyền làm ngơ việc phá rừng để công ty SoTo tiện bề làm du lịch", - bà Tươi (người dân xã Quang Thái) nghi ngờ.
Theo Luật đất đai 2013, về điều kiện thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 58 quy định chuyển mục đích rừng phòng hộ dưới 20 ha do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và diện tích trên 20 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Theo như quyết định 1756 thì diện tích chuyển đổi lớn hơn 20 ha. Vậy việc này đã được sự chấp thuận của Thủ tướng chưa?
"1756 là một Quyết định quá thần tốc và đầy nghi vấn"
Đó là lời nhận xét của luật sư Bùi Khắc Toản, Giám đốc Công ty Luật TNHH 4.1 và Cộng sự, đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Toản cho rằng: “Trong 5 ngày (từ 3/5/2018, công ty SoTo có tờ trình, ngày 8/5/2018, sở TNMT có công văn số 1278/SNNPTNT đến ngày 14/5/2018, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1756.
Sự việc này liệu có đúng quy trình và phù hợp với quy định, nó đặt ra rất nhiều nghi vấn có gì khuất tất phía sau."
|
Người dân đau xót khi rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá từng ngày để doanh nghiệp làm du lịch |
Luật sư tiếp tục phân tích: Luật đất đai năm 2013 bổ sung quy định về điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại xã thuộc khu vực biên giới, ven biển và hải đảo phải được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ ngành có liên quan nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Anh Lê Văn Thắng (thôn Tiên Thắng, xã Quảng Lợi, Quảng Xương) cho biết: "Công ty Soto đã nhảy vào địa bàn Quảng Xương gần 10 năm nay nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân. Người dân kiên quyết bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng phòng hộ nhưng có nhiều kẻ trục lợi, ngang nhiên “phân lô, bán nền” mua đi bán lại đất rừng phòng hộ."
Báo điện tử Kiến Thức đã có công văn đến UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan có liên quan, yêu cầu cung cấp các tài liệu và trả lời một số vấn đề nghi vấn đặt ra trong câu chuyện này, cho đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.