Ngày 29/8, luật sư Phạm Quang Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, liên quan đến vụ “Gây rối trật tự” ở Bỉm Sơn, Thanh Hoá, gia đình các bị cáo Trịnh Văn Khánh (SN 1966); Tống Duy Tân (SN 1984); Tống Dũng Nhật (SN 1970) sẽ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm do TAND thị xã Bỉm Sơn xét xử từ ngày 21/8.
Theo đó, các bị cáo Đặng Thị Hồng Lý (SN 1975, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị tuyên 28 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo; Bị cáo Nguyễn Huy Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) 24 tháng tù giam; Trịnh Văn Khánh (SN 1966) 27 tháng tù giam; Tống Duy Tân (SN 1984) 26 tháng tù giam; Tống Dũng Nhật (SN 1970) 24 tháng tù giam; Các bị cáo còn lại được hưởng án treo.
|
Luật sư Phạm Quang Hưng, Phạm Trung Kiên, Hoàng Văn Ba, Nguyễn Mạnh Thắng bào chữa cho các bị cáo tại tòa.
|
Phiên toà còn nhiều tình tiết cần được làm rõ
Lý do kháng cáo bản án sơ thẩm được luật sư Phạm Quang Hưng cùng các cộng sự cho rằng phiên toà có nhiều tình tiết cần được làm rõ, có nhiều điểm "kỳ lạ". Cụ thể:
Theo luật sư phân tích, điều thứ nhất: Sử dụng tình tiết đám ma, khiến một người chết được chôn 2 lần.
Theo nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Thị xã Bỉm Sơn truy tố, ghi nhận sự việc: "...Có 1 đoàn đưa tang đi đến gần khu vực giao nhau với cổng Công ty Long Thành thì phải dừng lại vì tắc đường do vụ việc nêu trên. Đợi khoảng 30 phút nhưng không đi được nên đoàn đưa tang phải quay đầu tìm đường khác vì chậm giờ hạ huyệt và Kết luận trong khoảng thời gian từ 7h30 đến 15h ngày 23/11/2023, tại khu vực đường giao thông công cộng phía trước Công ty Long Thành (thuộc khu phố Trường Sơn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), các bị can Đặng Thị Hồng Lý, Tống Duy Tân, Trịnh Văn Khánh, Tống Dũng Nhật, Hoàng Văn Vươn, Nguyễn Huy Hùng, Trịnh Văn Táo, Vũ Bá Triển, Lê Văn Duật và Khương Phú Hưng có hành vi gây rối trật tự công cộng, tập trung đông người, xô đẩy, ngăn chặn, không cho người và phương tiện ra vào công ty Long Thành.
Tuy nhiên, trong phiên toà các luật sư đã dẫn chứng, ông Phan Văn X. mất vào khoảng hơn 01h sáng 23/11/2023, Luật sư cũng cung cấp dẫn chứng Cáo phó cho thấy ông Phan Văn X. được đưa đi chôn vào ngày 24/11/2023 chứ không phải ngày 23/11/2023. Vì thế, Cáo trạng xác định sự việc ở nhà máy Long Thành gây cản trở giao thông do đám tang là không đúng, có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ của cơ quan chức năng thị xã Bỉm Sơn.
Cũng theo luật sư Hưng, rõ ràng không có đám ma nào diễn ra vào sáng ngày 23/11/2023 qua hiện trường vụ án, đây là một dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, VKS để buộc tội các bị cáo trong vụ án. Mặc dù, trong phiên toà các ngày 21 đến 23/8, VKS nhân dân thị xã Bỉm Sơn đã thừa nhận sai sót và rút lại tình tiết đám ma ông Phan Văn X,. Tuy nhiên, trách nhiệm sai sót trên thuộc về ai, thì không thấy cơ quan chức năng nào đề cập đến.
Vấn đề thứ 2, luật sư cho rằng bị cáo Đặng Thị Hồng Lý được xác định là người cầm đầu, là người kí hợp đồng thuê công ty bảo vệ Thái Vũ để bảo vệ công ty Long Thành, là người gọi điện cho Tống Duy Tân dẫn đến sự việc trong ngày 23/11/2023. Tuy nhiên, HĐXX tuyên bị cáo hưởng án treo, còn các bị cáo đứng ra tố cáo những dấu hiệu sai phạm đều nhận án tù giam. Vậy có công bằng với các bị cáo khác, khi họ chỉ làm theo chỉ đạo của người đứng đầu?
|
Luật sư Phạm Quang Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Vấn đề thứ 3 theo luật sư là người chỉ đạo không việc gì, người nhận chỉ đạo thì vướng vòng lao lý. Luật sư phân tích, Công ty Thái Vũ là người đứng ra thuê các bị cáo Khánh, Nhật và nhiều bị cáo khác để làm bảo vệ ở Công ty Long Thành. Trong các bản khai ở cơ quan chức năng, lãnh đạo công ty Thái Vũ đều khai rõ ràng là chỉ đạo các bị cáo đến làm bảo vệ ở công ty Long Thành. Tuy nhiên, những người này đều được xác định vô can, còn những bảo vệ trên đều vướng vòng lao lý. Trong phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo Khánh, Nhật đều khai rất rõ, bản thân là người làm công ăn lương, theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty Thái Vũ. Ấy vậy mà, giờ đây các bị cáo phải lãnh án tù, còn những lãnh đạo trên vẫn “ung dung” như không hề có chuyện gì xảy ra?
Vấn đề thứ 4, xe hết hạn đăng kiểm, tự ý chở gạch rời khỏi nhà máy nhưng không bị xử lý.
Theo các luật sư, khi nhận được tin báo, có đối tượng có dấu hiệu trộm cắp tài sản các bị cáo đã ngăn chặn hành vi có dấu hiệu trộm cắp tài sản của ông Nguyễn Đình Chính. Theo đó, ông Chính đã chỉ đạo dùng xe hết hạn đăng kiểm chở gạch rời khỏi nhà máy gạch Long Thành ra ngoài.
Theo luật sư, đây chính nguồn cơn dẫn đến sự việc xảy ra vào ngày 23/11/2023, theo đó ông Chính đã chỉ đạo dùng xe không còn hạn đăng kiểm chở gạch ra, chiếc xe này chiếm phần lớn con đường dẫn vào nhà máy, nếu gây ách tắc giao thông. Theo Luật Giao thông đường bộ, chiếc xe trên không đủ điều kiện tham gia giao thông, các bị cáo đã ngăn chặn hành vi sai phạm trên. Thế nhưng, những đối tượng đã gây ra sai phạm trên thì không bị xử lý, còn những người có “công” ngăn chặn sai phạm trên đều bị xử lý bằng bản án tù giam.
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Thứ 5, nhiều người có dấu hiệu khai gian dối, vu khống, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tại sao không bị xử lý?
Trong phiên toà xét xử, người làm chứng là ông Đào Duy Toàn cho biết, không chứng kiến có đám ma đi qua chỗ nhà máy Long Thành, cũng không nhớ rõ ngày đưa ma của ông X. là ngày 23 hay ngày 24/11.
Tuy nhiên, khi công bố lời khai của ông Đào Duy Toàn tại Công an phường Đông Sơn, Thị xã Bỉm Sơn thể hiện nội dung “ngày 23/11/2023, tôi đã đi đưa tang ông X. khi đi đến nhà máy gạch Long Thành đoàn đưa tang phải dừng lại và đi đường khác vì có việc công nhân nhà máy gây cản trở đến việc đưa tang, đoàn đưa tang có xe tang và khoảng 30 đến 40 xe máy”.
Lời khai của ông Toàn bất nhất, có mâu thuẫn. Trong phiên toà ngày 2/7 cho đến phiên toà ngày 3/7 ông Toàn có nhiều lời khai không đồng nhất, không đúng sự thật.
Tại thời điểm ngày 23/11/2023, song song cùng một thời điểm vào khoảng thời gian từ lúc 16h40 đến 17h30 tồn tại 02 Biên bản ghi lời khai của một nhân viên bảo vệ và của ông Đào Duy Toàn đều do 01 cán bộ Công an phường Đông Sơn thực hiện lấy lời khai.
"Đây là điều hoàn toàn không đúng trên thực tế và có căn cứ về việc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cần phải xử lý những sai phạm của các đối tượng trên để đảm bảo tính khách quan của vụ án, đảm bảo cho việc xét xử đúng người đúng tội" - luật sư nói.
Thứ 6, bị cáo nào đấu tranh, nói lên những sai phạm của cơ quan chức năng thì bị án tù giam, còn những bị còn lại được hưởng án treo.
Luật sư bày tỏ: "Có một nghịch lý ai cũng nhận thấy, chính là những bị cáo nào khai ngược với ý chí của cơ quan chức năng, có đơn tố cáo sai phạm như bị cáo Hùng, Tân, Khánh, Nhật đều bị tuyên án tù giam. Còn những bị cáo khác đều nhận được bản án tù treo vì những bị cáo này không có bất kì phản kháng nào trong phiên toà, cũng như khi lấy lời khai với cơ quan chức năng của thị xã Bỉm Sơn. Liệu có công bằng với những bị cáo dám nói lên tiếng nói của mình, đấu tranh với những dấu hiệu sai phạm nói trên."
Từ những lý do trên, gia đình bị cáo đã kháng án toàn bộ bản án sơ thẩm.
"Phải ghi nhận đúng, đầy đủ ý kiến của Luật sư vào trong bản án"
Hiện tượng không ghi nhận đúng, đầy đủ ý kiến của Luật sư vào trong Bản án, đã được nêu ra tại “Hội thảo sơ kết 5 năm thi hành BLTTHS 2015, thực tiễn thi hành và giải pháp, kiến nghị”, do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.
Luật sư Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nêu quan điểm: ý kiến của Luật sư tại phiên tòa cũng là cơ sở để tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm xem xét. Đồng thời dẫn chứng "Có Luật sư phản ánh rằng Luật sư tham gia bào chữa một vụ án cả năm trời, phiên tòa diễn ra cả tháng, bài bào chữa của LS phân tích rất sâu sắc và tâm huyết, dài 50-100 trang nhưng trong bản án chỉ ghi được một đến hai dòng, thậm chí không được ghi nhận” .
Với bề dày kinh nghiệm hành nghề luật sư, đặc biệt là trong các vụ “đại án”, “án điểm”, “án thuộc diện trung ương chỉ đạo” trên phạm vi cả nước. Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm) cho biết, việc không ghi nhận đầy đủ, chính xác ý kiến của Luật sư trong các Bản án không phải là hiện tượng hy hữu mà khá phổ biến.
Hiện tượng này, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hành nghề Luật sư nói riêng và việc tuân thủ quy định pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa nói chung.
>>> Xem thêm video: Gia đình nữ sinh bị cựu thiếu tá tông chết ở Ninh Thuận kháng cáo