Thông tin từ TAND TP Hà Nội, tính đến chiều 17/8, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 18 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đề nghị xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm, trong đó có 2 bị cáo kháng cáo kêu oan, 16 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Hoàng Văn Hưng (cựu bị tuyên án chung thân vì lừa đảo chiếm đoạt hơn 18,8 tỷ đồng đã kháng cáo kêu oan.
|
Hoàng Văn Hưng. |
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng bị cáo buộc có hành vi lừa đảo “chạy án” cho hai bị cáo trong vụ án này là Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky và Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky không bị xử lý hình sự, qua đó bị cáo Hưng chiếm đoạt 800.000 USD.
Trong quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận tội danh bị truy tố, duy nhất cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn một mực phản bác lại mọi cáo buộc từ cơ quan công tố. Tranh luận tại tòa, Hoàng Văn Hưng không nhận tội khi cho rằng, khởi tố anh ta là tùy tiện, xem nhẹ sinh mạng người khác... Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Hưng vẫn tiếp tục khẳng định mình bị truy tố oan: "Bị cáo sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình để tìm lại sự trong sạch của bản thân mình”. Hưng nói.
Khi tuyên án, Hội đồng xét xử khẳng định, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Điều tra viên, Trưởng phòng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an không oan; đủ căn cứ xác định Hưng nhận 800.000 USD và hứa chạy án. Hưng đã đưa ra nhiều thông tin gian dối, chiếm đoạt số tiền này. Các đề nghị trả hồ sơ, tách vụ án để điều tra bổ sung của luật sư bào chữa cho bị cáo là không có căn cứ.
Hội đồng xét xử đưa ra nhiều căn cứ buộc tội đối với Hưng, phần lớn là từ lời khai của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky. Cụ thể, căn cứ vào lời khai của bị cáo Tuấn và Hằng về việc Hưng nhận giúp đỡ “chạy án” cho Hằng và Lê Hồng Sơn; việc Hưng yêu cầu đưa tiền; các cuộc gặp gỡ, nội dung các cuộc gặp; căn cứ vào nội dung ghi chép của Hằng về 13 lần chuyển tiền cho Tuấn để đưa cho Hưng.
HĐXX cho rằng, tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Hưng không thừa nhận việc nhận khoản tiền nào từ Nguyễn Anh Tuấn và không hướng dẫn Hẳng khai báo. Tuy nhiên, Hưng xác nhận đã gặp riêng Nguyễn Thanh Hằng tại nhà Tuấn và có nhận cặp số do ông Tuấn gửi đến, nhưng khai bên trong không có tiền mà là 4 chai rượu vang. HĐXX đánh giá việc Hưng tiếp xúc, gặp gỡ Hằng, người đang bị điều tra ở ngoài trụ sở cơ quan mà không báo cáo với đơn vị, là vi phạm quy định của Bộ Công an.
HĐXX kết luận, tháng 1/2022, bị cáo Hưng từng được phân công là điều tra viên của vụ án chuyến bay giải cứu. Ngày 19/9/2022, Hưng bị điều chuyển công tác, không còn làm điều tra vụ án. Thời gian Hưng được phân công điều tra vụ án, ông Tuấn đã liên hệ nhờ Hưng giúp đỡ, hướng dẫn các bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng không bị xử lý hình sự.
Hưng nhiều lần gặp Hằng tại nhà riêng của ông Tuấn ở Hà Nội, hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng để hướng dẫn Sơn. Việc hướng dẫn khai này nhằm mục đích Hằng nhận hết tội để "quyết tâm cứu Sơn". Quá trình điều tra, Hằng và Sơn khai có 13 lần đưa cho Hưng tổng số tiền 2,8 triệu USD. Ông Tuấn khai nhận 2,65 triệu USD từ Hằng, trong đó có 400.000 USD là tiền Hằng trả cho việc sang nhượng mảnh đất ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Tại tòa, Hưng không thừa nhận các cáo buộc, cho rằng Cơ quan điều tra buộc tội bằng lời khai một chiều, không có chứng cứ. Hội đồng xét xử nhận định, việc thu thập bằng chứng của Cơ quan điều tra, VKS là đúng quy định; bị cáo được giải trình, lấy lời khai nhiều lần, được cho viết bản tự khai để tự bào chữa nhưng bị cáo đã từ chối.
Trước lập luận của Hưng rằng lời khai của bị cáo Hằng và ông Tuấn là một chiều, không khách quan, Hội đồng xét xử bác bỏ và giải thích các bị cáo được giam ở nhiều nơi khác nhau, nhưng cùng cho một lời khai giống nhau. Chủ tọa phiên tòa nhận định, Hưng khai báo không thành khẩn, không trung thực, thay đổi lời khai trong việc hướng dẫn Hằng khai báo và không nhận vật chất gì từ ông Tuấn hay Hằng.
Theo HĐXX, ngoài lời khai của Hằng, Tuấn, cơ quan tố tụng còn thu thập lời khai của nhiều người khác, dữ liệu điện tử để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Một số căn cứ khác được HĐXX đưa ra là nội dung ghi chép của Hằng về việc đã có 13 lần chuẩn bị tiền và thông qua ông Tuấn đưa cho Hoàng Văn Hưng. Dữ liệu lịch sử cuộc gọi giữa Hưng và ông Tuấn, căn cứ việc ông Tuấn sắp xếp cho Hưng gặp Hằng để nói về việc chi tiền chạy án, phù hợp với lời khai và các chứng cứ khác về việc Hưng yêu cầu phải chuẩn bị tiền để chi cho các cơ quan tố tụng để "quyết tâm cứu Sơn".
Dữ liệu điện tử và hình ảnh trích xuất từ camera còn thể hiện ngày 5/12/2022, tại cổng trụ sở Cơ quan An ninh điều tra, Hoàng Văn Hưng đã nhận chiếc cặp số do ông Tuấn gửi đến bên trong chứa 450.000 USD. Kết quả thực nghiệm điều tra và các lời khai thể hiện, sau thời điểm nhận vali tiền trên, Hoàng Văn Hưng tiếp tục gặp Hằng, Tuấn tại nhà của cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Hội đồng xét xử cũng đánh giá hành vi của bị cáo Hoàng Văn Hưng mang tính chất đặc biệt nguy hiểm, gây ra bức xúc cho xã hội. “Mặc dù đã chuyển công tác nhưng Hoàng Văn Hưng vẫn đưa ra thông tin gian dối, để nhận tiền của Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng. Sau khi nhận tiền, bị cáo đã không giúp được như đã hứa hẹn nên đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chủ tọa phiên tòa cũng nhấn mạnh, cần một mức án nghiêm khắc, cao hơn mức đề nghị của VKS dành cho bị cáo Hưng mới đủ sức răn đe. “Hưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo không thành khẩn, không ăn năn, đến nay cũng không khắc phục hậu quả vụ án”, chủ tọa phiên tòa nói.
Đáng chú ý, trong phần luận tội tại phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, đại diện VKS còn cho rằng, bị cáo Hưng cũng thừa nhận tiết lộ thông tin là điều tra viên chính nên hành vi này có dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp, qua đó cần điều tra và xử lý trong giai đoạn sau.
Theo bản án sơ thẩm, cùng với lĩnh án chung thân, bị cáo Hoàng Văn Hưng cũng bị buộc nộp số tiền hơn 18,8 tỷ đã chiếm đoạt để sung công quỹ.
18 bị cáo đã gửi đơn kháng cáo tới Tòa án
Cùng kháng cáo kêu oan như Hoàng Văn Hưng còn có Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa. Trần Minh Tuấn bị phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, tổng hợp hình phạt chung đối với Trần Minh Tuấn là 18 năm tù.
Trong số 16 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, ba bị cáo gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”. Như vậy, cả 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án tù chung thân (là mức án tuyên cao nhất tại phiên tòa sơ thẩm) gửi đơn kháng cáo.
Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”) cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong đơn kháng cáo, nhóm các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt đã bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm… để cân nhắc cho các bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về với gia đình và xã hội.
Trước đó, trong các ngày từ 11 - 28/7, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân, về 5 tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ