Giấc mộng khủng khiếp
Ngày tháng Mười chưa cười đã tối, mới 4h chiều mà bầu trời Hòa Bình đã phủ một màu xám xịt. Hôm nay, trời không mưa nhưng con đường vào xóm Khanh xã Phú Cường (Tân Lạc - Hòa Bình) vẫn nhão nhoét. Trên con đường ổ gà ổ vịt, từ đầu làng đã nghe thấy tiếng suối thác Khanh chảy ầm ầm. Càng lại gần, tiếng dòng chảy càng dữ dội và vọng vào vách núi sự lạnh lẽo, cô liêu.
Trên nền đất ẩm ướt, một chiếc ban thờ dựng tạm đã nguội khói hương. Phía sau ban thờ, thấp thoáng bóng người cô độc trong buổi chiều tàn. Phát hiện có người lạ tới, nam thanh niên đang đứng tần ngần trước vùng đất đá lộn xộn với ánh mắt xa xăm, khó hiểu bỗng thở dài quay lại dắt chiếc xe máy cũ nát dựng ở ven đường đi về phía những lùm cây.
|
Chiếc ban thờ dựng tạm cho 19 nạn nhân trong vụ sập núi ở Hòa Bình. (Ảnh: Kim Thược) |
Nam thanh niên đó là Đinh Công Huế (SN 1992).
Vào đêm định mệnh hôm ấy, khi vụ thảm họa sập núi ở Hòa Bình ập xảy ra, vùi chết 19 người, Huế không ở nhà mà đi làm thuê ở Lai Châu.
Nhận được cuộc điện thoại của người thân, Huế vội vàng bắt xe về nhà. Đến nơi, ngôi nhà - nơi có những người thân, nơi anh sinh ra và lớn lên đã biến mất. Thay vào đó là cảnh tượng hoang tàn, đổ nát và đau thương vẫn ám ảnh anh đến tận bây giờ.
"Ban đầu, khi nghe điện thoại tôi không nghĩ mọi chuyện lại kinh khủng đến thế. Về đến đầu làng, thấy cứu hộ và người dân tập trung rất đông tôi có một dự cảm không lành. Nhà sập, may mắn là mẹ và em trai tôi không sao. Thế nhưng, những người hàng xóm của tôi đã không may mắn...", Huế nhớ lại.
Từ khi xảy ra tai nạn đến nay dù đã một tuần nhưng Huế tưởng như nó chỉ mới hôm qua. Nhìn cứu hộ lấy từng xác người thân, hàng xóm dưới lòng đất khiến một thanh niên vốn mạnh mẽ như Huế cũng phải bật khóc. Huế nói: "Cách đây không lâu anh em, bạn bè, cô chú bác đi đường còn vui vẻ gặp nhau. Bây giờ, nhìn thấy nhau chẳng nói được lời nào. Nhiều đêm đang ngủ giật mình tỉnh dậy tôi vẫn hy vọng nó chỉ là cơn ác mộng.
Nhà tôi ở trên cao hơn so với những nhà khác, vì vậy mà mẹ và em tôi mới may mắn sống sót. Cậu em tôi vẫn còn hoảng loạn nhưng đã đến trường đi học. Sách vở mất sạch nhưng em đã được nhà trường tặng cho một bộ sách mới. Mẹ tôi chỉ bị thương nhẹ vì đá đập phải đầu, nhưng với bà, cơn sốc vẫn chưa qua. Mất nhà, lại trải qua khoảnh khắc sinh tử khiến dường như quá sức chịu đựng với bà".
|
Thác Khanh, nơi đã cướp đi sinh mạng của 19 người. (Ảnh: Kim Thược) |
Đang trò chuyện cùng Huế thì một người phụ nữ khuôn mặt khắc khổ, phía sau lưng dắt con dao rừng lặng lẽ đi vào. Huế giới thiệu đó là bà Đinh Thị Siêu, mẹ của mình. Bà Siêu không bắt chuyện với tôi mà thơ thẩn đi xung quanh như đang tìm kiếm gì đó còn sót lại dưới đống đổ nát.
Phải mất một lúc lâu tôi mới dám lại gần bà Siêu để trò chuyện. "Từ hôm xảy ra vụ việc, đến tận hôm nay tôi mới dám quay lại nơi này. Khủng khiếp lắm cô ơi. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hoàn hồn, nửa tỉnh nửa mơ, vẫn như là người điên ấy", bà Siêu bật khóc nức nở.
|
Bà Đinh Thị Siêu, nạn nhân may mắn sống sót sau thảm họa quay lại hiện trường. (Ảnh: Kim Thược) |
Kể lại cái đêm khủng khiếp ấy, bà Siêu nhớ lại: "Lúc ấy hai mẹ con đang ngủ say. Tôi nghe một tiếng "bục" khá lớn lên giật mình tỉnh dậy. Tiếng "bục" ấy chỉ như tiếng công nông đi ngoài đường. Mở mắt ra tôi không thấy mình nằm trong nhà nữa mà thấy mình cùng cậu con trai đang nằm dưới hai phiến đá to.
Đầu tôi bị khiến đá đập phải lên đau điếng. Nhìn qua khe đá thấy bầu trời xám xịt và dưới chân nước chảy ầm ầm. Chưa kịp định thần xem chuyện gì xảy ra, tôi kéo cậu con trai chui qua khe đá ra ngoài. Vừa chui ra được, đất đá và nước ở đâu lại ùa tới hất văng hai mẹ con mỗi người đi một nơi.
Chúng tôi trôi một đoạn thì la hét kêu cứu. Trong cơn nguy hiểm, thấy có ảnh đèn pin phía trước, chúng tôi vùng dậy chạy về phía ấy. Sau khi chạy ra được cánh đồng trước mặt quay lại nhìn mới biết nhà cửa chúng tôi đã bị vùi dưới đống đất đá kia. Chúng tôi mất hết rồi, không kịp mang theo bất cứ một thứ gì cả".
Vừa kể bà Siêu vừa chỉ tay về phía nửa chiếc chuồng trâu còn lại sau thảm họa. "Nhà cửa mất hết rồi nhưng may là mẹ con tôi còn giữ được mạng này. Trên kia, vài con lợn còn sống, giờ tôi lên bắt về nuôi. Chúng tôi chưa biết phải bắt đầu lại như thế nào từ đống đất đá tan hoang này", bà Siêu nói.
Sau khi lên tìm kiếm vài con lợn còn sống sót, bà Siêu dẫn tôi quay trở lại ngôi trường mầm non, nơi mà ba mẹ con bà đang được xã cho ở nhờ. Trên đường về, bà Siêu tâm sự: "Mấy hôm nay tôi không ăn uống được gì. Nhắm mắt vào cũng không ngủ được cô ạ.
Cứ nhắm mắt vào lại nghĩ đến sự việc ngày hôm đó. Chỉ sợ, ngủ rồi lại không tỉnh lại được nữa. Có đêm vừa lơ mơ chợp mắt, nghe tiếng suối thác Khanh chảy ầm ầm tôi lại giật mình thon thót tỉnh giấc. Nhìn sang bên cạnh thấy hai đứa con trai đang nằm cạnh mới an tâm là ba mẹ con tôi vẫn còn sống".
|
Chuồng trâu còn lại của gia đình bà Siêu. (Ảnh: Kim Thược) |
Cũng theo bà Siêu, trường mầm non nơi mẹ con bà đang được cho ở nhà ban ngày thì đông người nhưng đêm thì rất vắng vẻ vì cũng cách khá xa nhà dân. Vì vậy, mỗi đêm bà Siêu thường có cảm giác bất an, lo sợ.
"Biết là còn người là còn tất cả. Thế nhưng, hoàn cảnh mẹ góa con côi (chồng bà Siêu đã mất cách đây nhiều năm do bệnh hiểm nghèo - PV) không biết đến bao giờ tôi mới vượt qua được nỗi sợ hãi này. Ba mẹ con cũng không thể sống mãi ở nhà mẫu giáo này được. Chúng tôi cũng cần phải có nơi ở mới để ổn định cuộc sống và vượt qua nỗi sợ hãi này" - bà Siêu tỏ ra lo lắng khi nghĩ về tương lai của 3 mẹ con.
Ký ức yên bình của xóm Khanh ngày xưa?
Trời bắt đầu nhá nhem tối, quay trở lại hiện trường nơi 19 người chết để tìm gặp một vài nhân chứng khác. Cách hiện trường chừng 500m, ánh đèn vàng vọt, yếu ớt hắt ra từ vài căn nhà sàn bé tí tẹo.
Người đàn ông không vội dẫn khách vào nhà vì còn mải xách xô nước về phía mảnh đất tan hoang. Hỏi ra mới biết, người đàn ông này quay lại để chăm cho vài con gà, con lợn còn sống sót ở trên ngôi nhà cũ.
"Tai nạn xảy ra, nhà tôi mất nhà và 6 con trâu. May mắn là vợ con chạy thoát. Nếu không tỉnh dậy, có lẽ giờ này họ cũng đã nằm dưới đống đất đá kia", ông Đinh Công Hưng - một nạn nhân vừa bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa cho biết.
|
Ông Đinh Công Hưng - một nạn nhân mất nhà sau vụ sập núi. (Ảnh: Kim Thược) |
Dẫn tôi ra hiện trường, ông Hưng chỉ lại vị trí từng ngôi nhà trước khi xảy ra tai nạn. "Đây là nhà cậu em trai của tôi, đây là nhà bà Siêu, đây là nhà tôi... còn đây là đường đi vào thác Khanh. Trước đây, có nhiều người ở xa đến ngắm thác Khanh lắm. Tầm giờ này là các gia đình đang nấu cơm, bọn trẻ con đang chạy tung tăng trước ngõ. Đàn trâu chuẩn bị lùa vào chuồng, tiếng anh em gọi nhau nhậu í ới...", cứ thế ông Hưng vẽ ra trước mắt một khung cảnh yên bình của của xóm nhỏ khi các gia đình còn đầm ấm bên nhau.
Thế nhưng, giờ chỉ còn lại dấu tích của những vết máu, của những vật dụng sinh hoạt như chăn, chiếu, xoong nồi nằm ngổn ngang trên nền đất đá lạnh lẽo. Vừa đi được vài bước, ông Hưng bỗng khựng lại vì vấp phải chiếc xe máy đã trơ khung nằm ngang đường.
|
Chiếc xe máy của gia đình nạn nhân đã chết còn lại trên đống đổ nát. (Ảnh: Kim Thược) |
Đôi mắt của người đàn ông vùng cao đã dày dặn gió sương sưng húp, nhòe đi: "Nhà thằng em trai tôi đó. Nhà có 4 người thì chết hết rồi. Hai đứa cháu trai của tôi còn trẻ quá, chưa đứa nào lập gia đình. Chúng nó đang đi học nghề ở Lai Châu, mấy hôm bị ốm nên về nhà nghỉ. Ai ngờ về rồi thì không đi được nữa" - ông Hưng nói.
Trong căn nhà tạm bợ, chiếc bàn thờ vẫn nghi ngút khói hương. Cả 4 người trong gia đình em trai ông Hưng đều thiệt mạng hết sau vụ tai nạn sập núi. Trên bàn chỉ có 3 di ảnh. Ông Hưng giải thích vì cô em dâu khi còn sống không thích chụp ảnh nên không có ảnh... Nụ cười trong sáng, hiền hậu của hai cậu thanh niên trên ban thờ khiến người nhìn ám ảnh không nguôi.
Vào đêm định mệnh đó, ông Hưng không ngủ ở nhà mà nằm trên đồi, cách nơi xảy ra thảm họa 500m để chăn trâu. Chỉ có vợ và cháu gái ông ngủ ở nhà. Khi xảy ra tai nạn, ông nghe tiếng kêu cứu của vợ con nên chạy về. Về đến nơi thì nhà cửa đã bị vùi lấp. May mắn, vợ và cháu gái ông đã kịp chạy về phía cánh đồng phía trước nhà.
"Tôi nhìn cảnh tượng trước mắt mà bất lực, chỉ biết kêu la lên. Biết có nhiều người còn nằm dưới đống đất đá kia nhưng lúc nước lũ cuồn cuộn chảy tôi không thể làm gì khác được. Khối đất đá quá lớn, tôi biết các em, các cháu của tôi đã bị vùi lấp dưới đó. Đau xót nhưng bất lực cô ạ!".
Cũng như bà Siêu, từ khi xảy ra sự việc đến nay ông Hưng gần như không ăn uống hay ngủ được một giấc tròn. Cứ mỗi lần nhắm mắt lại thì hình ảnh 18 người thân của ông lại hiện về khiến ông đau đớn, xót xa.
|
Gia đình ông Hưng thờ cúng, hương khói cho cả gia đình người em trai. (Ảnh: Kim Thược) |
Ông Hưng rơm rớm nước mắt: "Ở đây động đũa động bát là anh em lại gọi nhau. Năm, sáu gia đình vừa là hàng xóm nhưng cũng vừa là những người anh em ruột thịt, thân thiết. Mỗi bữa cơm, nhìn lên bàn thờ thấy di ảnh cả nhà cậu em, tôi lại buông bát, nghẹn không nuốt được. Chỉ một tuần trước thôi anh em còn nhậu với nhau. Nhà có gì ngon là em lại gọi anh sang uống rượu...".
Bà Đinh Thị Trinh, vợ ông Hưng đang chuẩn bị bữa cơm tối. Đám trẻ nhà này đến bữa tối vẫn còn chạy lởn vởn ngoài sân vườn. Bà Trinh gọi cô bé tên Thùy (12 tuổi) vào cho tôi hỏi chuyện.
Thùy rụt rè, ít nói và dường như chỉ biết lắc với gật đầu. Nhắc đến hình ảnh người mẹ ôm cô bé khi lực lượng cứu hộ tìm thấy xác của họ dưới đống đổ nát, bà Trinh cho biết: "Chị gái con bé đó 12 tuổi, tên Xoan và học cùng lớp với con Thùy mà tôi. Ngày nào hai đứa cũng đi chăn trâu cùng nhau. Lúc nào cũng dính nhau như hình với bóng. Từ hôm con Xoan mất, con Thùy không dám đi học, đến lớp không dám ngồi chỗ cũ. Cô giáo phải chuyển con Thùy ngồi chỗ khác nó mới dám học bài".
Tôi quay lại hỏi Thùy có còn sợ không, em chỉ cười trừ im lặng và lắc đầu không nói. Nhưng sâu thẳm trong ánh mắt của em, tôi thấy sự hoang mang, lo sợ và cả nỗi đau sau những biến cố kinh hoàng vừa trải qua.
|
Vẫn còn 1 nạn nhân thứ 19 đã tìm thấy xác nhưng chưa định được danh tính, thân nhân. (Ảnh: Kim Thược) |
Tôi ngạc nhiên vì ông bà Hưng cứ nói về con số 19 người chết trong khi chính quyền địa phương và báo chí đăng tải chỉ có 18 người. Ông Hưng giải thích: "18 người là xác minh nhận dạng được là người địa phương ở đây. Còn 1 người nữa tìm thấy xác nhưng chưa xác minh được nhân thân là người ở đâu tới. Chúng tôi cũng đem người này an táng cùng những nạn nhân kia nhưng đến nay vẫn chưa có ai tới nhận. Đây là xác nam giới, tuổi trung niên và có lẽ là bạn của một trong số những gia đình nạn nhân ở đây".
Tôi tạm biệt gia đình ông Hưng, bà Trinh khi bóng đêm đã vây quanh dầy đặc xóm Khanh. Trên đường về, tôi gặp vài chiếc ô tô đi ngược chiều đang hỏi đường vào nơi mới xảy ra thảm họa. Sau xe, tôi thấy họ chở theo nhiều mỳ tôm và chăn chiếu nên đoán là những đoàn thiện nguyện, cứu trợ cho các gia đình bị nạn may mắn còn sống sót.
Tiếng chó sủa râm ran từ bụi cây. Có lẽ, từ nay và mãi về sau nữa, trong mỗi giấc ngủ của người dân xóm Khanh, của ông Hưng, bà Trinh, bà Siêu... dù chỉ một tiếng động nhỏ cũng khiến họ bất an và nghĩ về cơn ác mộng đã trải qua trong đêm mưa ấy.
"Ước gì, tất cả những gì xảy ra chỉ như một giấc mộng kinh hoàng. Tỉnh dậy thấy ngôi nhà của mình vẫn còn và anh em, bạn bè, hàng xóm vẫn sống", tôi nhớ lại lời Đinh Công Huế ao ước khi đứng trên đống đổ nát chiều nay.