Hội thảo có sự tham gia của đại điện lãnh đạo các cơ quan trong tỉnh cùng đông đảo hội viên của hội thành viên thuộc Liên hiệp hội của tỉnh.
|
Quang cảnh hội thảo. |
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết, Liên hiệp hiện có 27 hội thành viên với hơn 50 nghìn hội viên hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong những năm qua, với những hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phổ biên kiến thúc khoa học và công nghệ đến cộng đồng, trực tiếp xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ…
Liên hiệp hội tỉnh và các hội thành viên đã và đang tham gia tích cực, có hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như việc lồng ghép các dự án khoa học công nghệ với các chương trình, dự án phát triển kinh tế còn ít, hiệu quả chưa cao; chưa hình thành được các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn nhỏ lẻ, phân tán; nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh thấp…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vai trò và đóng góp của tri thức trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; giải pháp về khoa học, công nghệ và quản lý nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào phụ vụ xây dựng nông thôn mới; hiệu quả của việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…
Cũng theo các đại biểu tham dự hội thảo, để nâng cao hiệu quả nghiên cứu sáng tạo khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu cho rằng tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục tăng cường nguồn lực thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh trạnh của sản phẩm nông sản.
Đồng thời, cần có cơ chế chính sách riêng cho các hoạt động khoa học công nghệ ở khu vực trung du, miền núi nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao… và đặc biệt là phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp.