Tèo Gấu chỉ huy đàn em thế nào... tra tấn người tới gãy 2 tay, chân?

Google News

(Kiến Thức) - Châu Thái Đô (còn gọi là Tèo gấu, 39 tuổi, tỉnh Tiền Giang) chỉ huy đàn em bắt nam thanh niên rồi tra tấn nạn nhân đến gãy 2 tay và chân. Vậy, theo quy định pháp luật, Đô sẽ bị xử lý thế nào?

Mới đây, vụ Châu Thái Đô (còn gọi là Tèo gấu, 39 tuổi, trú tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Lê Nguyễn Đăng Khoa (tên thường gọi Bi, 24 tuổi) và Đoàn Lâm Chí Kha (17 tuổi) cùng trú tại xã Đông Hòa, huyện Châu Thành bị công an bắt về hành vi bắt giữ người trái pháp luật đang gây xôn xao dư luận.   
Teo Gau chi huy dan em the nao... tra tan nguoi toi gay 2 tay, chan?
Đô tại cơ quan công an. (Ảnh: Tri Thức Trẻ)
Cụ thể, khoảng 20h tối 28/11, Đô cùng Khoa và Kha đang ở nhà trọ của Khoa tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành thì thấy anh Huỳnh Trường Vân (31 tuổi) và Võ Ngọc Quyên (26 tuổi) cùng trú tại xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy đi ngang. Cho rằng trước đây, Tuấn Nhóc (bạn của anh Vân, chưa rõ lai lịch) lấy xe của mình nên Đô bắt anh Vân vào nhà trọ của Khoa để tra hỏi nhằm tìm nơi ở của Tuấn Nhóc.
Tại đây, Đô và Khoa dùng tay đánh nhiều cái vào người Vân, Kha dùng dao hăm dọa nhưng Vân không khai về nơi ở của Tuấn Nhóc. Sau đó, cả 3 tiếp tục bắt Vân đến nhà Huỳnh Thanh Bình (SN 1977, trú tại xã Bình Trưng, huyện Châu Thành) và cả 3 tiếp tục tra tấn nạn nhân.
Sau khi thấy anh Vân bị gãy tay, chân Khoa đưa Kha 2 triệu đồng chở anh Vân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) để cấp cứu và khai nguyên nhân gãy tay, chân là do ngã xe.
Teo Gau chi huy dan em the nao... tra tan nguoi toi gay 2 tay, chan?-Hinh-2
Khoa tại cơ quan công an. (Ảnh: Tri Thức Trẻ)
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh đã có những phân tích việc các đối tượng có hành vi đánh, giữ người dưới góc độ pháp lý.
Theo luật sư, hành vi của các đối tượng nên trên đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể và sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ.
Cụ thể, đối với hành vi bắt giữ anh Vân đưa đến một nơi khác để tra tấn thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giữ người trái pháp luật được chiếu theo điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đối với người thi hành công vụ, phạm tội 2 lần trở lên, đối với 2 người trở lên, đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ, làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách, gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát, tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân, gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi đối tượng đã sử dụng vũ lực đánh gãy chân, tay anh Vân sẽ phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người.
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm.
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình.
đ) Có tổ chức.
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ.
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%.
c) Phạm tội 2 lần trở lên.
d) Tái phạm nguy hiểm.
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người.
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 2 người trở lên.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết thêm, tỷ lệ thương tích của người bị hại càng cao thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo định khung tăng nặng của điều 134 Bộ luật hình sự.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tích cực điều tra.
>>> Xem thêm video: An Giang: Đình chỉ công tác công an đánh người.
(Nguồn: VTC9)
Quang Thịnh

>> xem thêm

Bình luận(0)