Tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính: Việt Nam bảo vệ chủ quyền, hành động như nào?

Google News

(Kiến Thức) - 10 ngày qua, từ khi nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính - vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao luôn nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS.
Việt Nam trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế
Mới nhất, ngày 25/7, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến hoạt động của Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính - cụ thể nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập đến trong các phát biểu trước đây.
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Tau Trung Quoc xam pham bai Tu Chinh: Viet Nam bao ve chu quyen, hanh dong nhu nao?
 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia, ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình
Ngày 19/7, khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7 liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
“Như đã khẳng định tại phát biểu ngày 16/7/2019, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị
Ngày 16/7, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.
“Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”, bà Hằng nhấn mạnh.
Cũng theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình.
Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Việt Nam nỗ lực để bất đồng lợi ích trong khu vực được giải quyết hòa bình
Trả lời báo chí trong thời điểm công tác chuẩn bị cho các hội nghị, hoạt động quốc phòng-quân sự ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 đang được tiến hành về việc, Việt Nam dự kiến đưa ra vấn đề gì liên quan đến Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, ví dụ như vấn đề Biển Đông khi diễn biến thực địa ngày càng phức tạp, tại các hội nghị liên quan đến quốc phòng khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN?, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về ASEAN 2020 cho rằng:
Một quốc gia đã có nhiều vấn đề quan tâm và thách thức về an ninh, với 10 nước ASEAN thì sự quan tâm ấy có rất nhiều, chưa kể các nước đối tác của khối. Trong khu vực ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương hiện nay hội đủ tất cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ảnh hưởng tới hòa bình ổn định khu vực.
Ví dụ vấn đề Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam mà còn là của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực cũng như các nước có lợi ích liên quan tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Chúng ta cần khẳng định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cả thế giới và vấn đề này phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để đi đến sự ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực này. Đây là mối quan tâm mà chắc chắn chúng ta đề cập đến cũng như thách thức về an ninh khác.
Cọ sát chiến lược của các nước lớn là điều tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng cọ sát ấy không được và không nên ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác trong khu vực, mà vấn đề an ninh, an toàn hàng hải hàng không ở Biển Đông là một ví dụ.
Chúng ta một mặt đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mặt khác chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ môi trường hòa bình, và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế. Đây là chủ trương mà các hội nghị quân sự, quốc phòng của chúng ta sẽ hướng đến”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)