Vài năm gần đây, Hội thánh Đức Chúa Trời từng được biết đến như một tổ chức có dấu hiệu truyền bá một số tư tưởng mang màu sắc mê tín dị đoan. Không ít gia đình có người thân tham gia tổ chức này đã tan nát hạnh phúc khi bỗng nhiên vợ hoặc chồng mình đập phá bát hương thờ cúng tổ tiên, hay chối bỏ bố mẹ người thân.
Nhận thấy những hệ lụy trên, cơ quan chức năng của nhiều địa phương đã xử lý hàng chục hội nhóm của Hội thánh Đức Chúa Trời có các hoạt động vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, sau một thời gian yên ắng, cũng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian gần đây, Hội thánh Đức Chúa Trời đã nhen nhóm hoạt động và chiêu mộ tín đồ trở lại ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc.
THÂM NHẬP HỘI THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI
Nằm phía sau ga Phúc Yên, Vĩnh Phúc, cửa hàng treo biển bán các loại bảo hiểm. Thế nhưng bên trong không cung cấp bất cứ dịch vụ bảo hiểm nào. Đều đặn vào thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, rất nhiều người dân từ khắp nơi đến đây, đội chiếc khăn voan trắng lên đầu và lắng nghe những bài giảng của Hội thánh Đức Chúa Trời.
Hội nhóm này luôn nhắc đến ngày tận thế, cái chết và hướng người dân làm theo những lễ nghi để được lên thiên đàng với cái gọi là thánh An Sang Hồng. Người tham gia sẽ được ghi tên vào sổ sự sống của chúa, được bảo vệ và chữa lành tất cả mọi bệnh tật mà không cần đến bệnh viện.
Không chỉ làm người tham gia bị u mê, Hội thánh Đức Chúa Trời còn yêu cầu hội viên không thờ phụng cha mẹ, tổ tiên, bởi khi đã vào Hội thì chỉ có Đức Chúa Trời mới là cha mẹ.
Ông Vũ Chiến Thắng - nguyên Trưởng Ban Tôn giáo chính phủ cho biết: "Tôi cho rằng đây là những hành vi lệch chuẩn xã hội, nó xuất phát từ những hành vi vụ lợi, hay là sự không bình thường của những người cầm đầu. Họ đưa ra những hành lễ mới mẻ khác lạ; đưa ra những lời lẽ ma mị, mê tín, đưa ra những phương thức, công cụ mê hoặc người ta. Một số người dân do nhu cầu tín ngưỡng không được kiểm soát, không được hướng dẫn một cách chính thống nên đã đi theo".
Chỉ riêng tại khu vực phía sau ga Phúc Yên đã có 3 tụ điểm mà Hội thánh Đức Chúa Trời truyền đạo trái phép. Những địa điểm này được gọi là Sion và thường núp bóng dưới dạng phòng khám tư, cửa hàng bán bảo hiểm để né tránh sự chú ý của các cơ quan chức năng.
DẤU HIỆU TRỤC LỢI CỦA HỘI THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI
Ở Việt Nam, Hội thánh Đức Chúa Trời du nhập vào khoảng năm 2001, thông qua nhập cảnh của người Hàn Quốc tới Việt Nam và một số người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước. Dù không được thừa nhận là một tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, không được cấp phép hoạt động, thế nhưng hội nhóm này vẫn tổ chức những buổi sinh hoạt hàng tuần, lôi kéo nhiều người dân tham gia. Đặc biệt, tổ chức này còn thực hiện nhiều nghi lễ kêu gọi người dân đóng tiền.
Phòng khám này thực ra là một sion (còn gọi là nhà của chúa) và thứ 7 là ngày hành lễ.
Phòng khám bên ngoài treo biển chuyên điều trị các bệnh về sọ não, cột sống, hoạt động tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ 7. Nhưng thực ra đây là một sion (còn gọi là nhà của chúa) và thứ 7 là ngày hành lễ. Tất cả những nghi lễ quan trọng nhất của Hội thánh Đức Chúa Trời đều được thực hiện trên tầng 4 của phòng khám.
Một người đàn ông sau khi trải qua 50 bài học về thánh Đức Chúa Trời, chính thức được làm lễ bắp têm, được ghi danh vào sổ sự sống đời đời của thánh Đức Chúa Trời. Một thùng nước to lấy từ nhà vệ sinh ngay bên cạnh được sử dụng để làm phép.
Sau màn dội nước từ đầu đến chân, người đàn ông được các đối tượng tuyên truyền rằng từ nay sẽ được bảo vệ trước mọi tai ương bệnh tật, khi chết sẽ được lên thiên đàng sống sung sướng với đức chúa. Nếu ai không làm lễ sẽ phải chịu những hậu quả khủng khiếp.
Một thùng nước to lấy từ nhà vệ sinh ngay bên cạnh được sử dụng để làm phép.
Mỗi tuần hội nhóm sinh hoạt 1 buổi, và đến cuối buổi, tất cả thành viên từ người lớn cho đến trẻ em đều phải đóng phí. Tiền được để trong phong bì màu trắng, sau đó sử dụng vào mục đích gì cũng chẳng ai hay biết. Nói là đóng góp tùy tâm, nhưng lại có những quy định rất cụ thể.
Tất nhiên, khó có thể kiếm được tờ tiền lẻ nào còn mới để dâng cho thánh Đức Chúa Trời. Theo các tổ chức tôn giáo chính thống được phép hoạt động tại Việt Nam, hình thức này đi ngược lại với các giáo lý truyền thống, thậm chí có dấu hiệu trục lợi từ những người tham gia.
Những giáo lý cơ bản của Hội thánh Đức Chúa Trời được lấy từ kinh thánh của đạo Tin lành . Tuy nhiên tổ chức này bị chính những người theo đạo Tin lành tẩy chay, không công nhận, thậm chí bị coi là tà đạo vì những thay đổi trong giải thích giáo lý và thực hành tín ngưỡng, gây ra bất ổn về an ninh, trật tự xã hội.
TAN NÁT GIA ĐÌNH VÌ HỘI THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI
Những người đứng đầu Hội thánh Đức Chúa Trời tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc quản lý thành viên của mình bằng một mã định danh trong mỗi phong bì, do vậy, nắm rõ được các khoản dâng hiến của thành viên. Khi nhận thấy việc đóng góp không đảm bảo, có sa sút, trưởng nhóm sẽ gọi để chăm sóc riêng với những phương thức đặc biệt, một kèm một.
Họ không ép buộc thành viên phải nộp tiền, nhưng với những lời đe dọa kiểu như "Đức Chúa Trời nhìn thấy hết những gì của bạn", "bạn có bao nhiêu tiền, bạn không giấu được vì Đức Chúa Trời biết rồi"… ám chỉ đến việc chưa quyên góp thành thật. Điều này khiến các thành viên lo sợ và phải nộp đủ 10% thu nhập hàng tháng. Không chỉ vậy một số yêu cầu khác của Hội thánh nói trên còn khiến gia đình của các thành viên phải điêu đứng.
Vẫn mặc nguyên đồng phục, những đứa trẻ đến đây để chuẩn bị cho 1 buổi học. Thậm chí các đối tượng của Hội thánh Đức Chúa Trời còn luôn gieo vào đầu những đứa trẻ này rằng cái chết mới là thứ giải thoát con người khỏi sự giam cầm trên trái đất.
Trong lớp học này có 2 đứa cháu trai của ông Nguyễn Tiến Cử (Sóc Sơn - Hà Nội). Từ khi được mẹ đưa đi theo học thánh Đức Chúa Trời, hai đứa trẻ thay đổi hẳn tính nết, không còn gần gũi với người thân trong gia đình.
Gia đình ông Cử nhiều ngày nay phải cắt cử người thay phiên nhau ở nhà canh 2 đứa cháu, tránh không cho mẹ đưa đi theo học thánh đức chúa trời. Tuy nhiên người mẹ vẫn có nhiều cách qua mắt các cụ.
Từ khi được mẹ đưa đi theo học thánh Đức Chúa Trời, 2 đứa trẻ cháu ông Cử thay đổi hẳn tính nết, không còn gần gũi với người thân trong gia đình.
Trẻ không tha, già không thương. Bà cụ này năm nay đã gần 80, gãy chân 2 lần không đi lại được nhưng vẫn bị Hội thánh Đức Chúa Trời đến dạy học hàng tuần.
Từ ngày phát hiện ra mẹ bỏ thờ cúng tổ tiên, chỉ nghe theo thánh Đức Chúa Trời, anh Đoàn Hữu Thắng (xã Tân Dân - Sóc Sơn - Hà Nội) đã lắp 1 loạt camera quanh nhà nhằm ngăn chặn những nhóm người lạ đến đây truyền đạo trái phép, thế nhưng mẹ anh vẫn quyết không từ bỏ.
Bị con cái ngăn cản, mẹ anh Thắng bỏ đi nơi khác, không còn tiếp tục sống chung với vợ chồng anh. Còn con dâu ông Cử cách đây vài ngày cũng quyết bỏ chồng để đưa 2 đứa con nhỏ ra ở trọ cho dễ bề theo học thánh Đức Chúa Trời.
Đặt niềm tin vào đâu là tự do chọn lựa của mỗi người, nhưng nơi đặt niềm tin ấy lại mang tới những hậu quả tan cửa nát nhà, mang tới nỗi buồn cho những người thân yêu của mình thì hẳn là cần phải suy nghĩ lại. Những thông tin mới liên quan đến câu chuyện này sẽ tiếp tục được cập nhật trong những bản tin Chuyển động 24h tiếp theo.