Tai nạn tàu hỏa 2 người chết: Tài xế đối diện hình phạt nào?

Google News

Vụ tàu hỏa tông xe bán tải khiến 2 người tử vong ở Đồng Nai được xác định lỗi thuộc về tài xế. Vậy người này có thể đối diện hình phạt nào?

Phòng Thanh tra An toàn III (Cục Đường sắt Việt Nam) thông tin về nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đường sắt giữa tàu hỏa và xe bán tải khiến 5 người thương vong. Theo báo cáo, nguyên nhân tai nạn được xác định lỗi nhiều về người lái xe không tuân thủ theo biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa”. 
Tai nan tau hoa 2 nguoi chet: Tai xe doi dien hinh phat nao?
Hiện trường vụ tai nạn. 
Trước đó, tối 28/7, tàu hỏa SNT5 do lái tàu Đ.H.H. điều khiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam. Khi tàu tới vị trí đường ngang Km1696 + 457 (giao cắt với đường Phạm Văn Thuận) bất ngờ va chạm với xe bán tải biển số 60C-597.xx do ông K. điều khiển từ trong hẻm nơi không có rào chắn với đường sắt thuộc phường Tân Tiến lao ra. Lúc này, trên xe bán tải có 4 người gồm: ông V.V.K. (49 tuổi, tài xế), chị M.P.P. (42 tuổi), bà N.T.U. (55 tuổi) và cháu N. (13 tuổi). Cú tông mạnh khiến xe bán tải văng ra, va vào xe chở rác khiến L.M.T. (23 tuổi, nhân viên gom rác quê tỉnh Bình Dương) và cháu N. tử vong. 3 người còn lại trên xe bán tải bị thương được đưa đi cấp cứu.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, có lỗi của người tham gia giao thông, bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân của sự việc, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân ban đầu được xác định, lỗi lớn thuộc về tài xế ô tô bán tải do không tuân thủ theo biển báo và thiếu quan sát. Bên cạnh đó, địa phương cũng có phần trách nhiệm do chưa quyết liệt xóa bỏ lối đi tự mở cắt qua đường sắt ở địa bàn. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hệ thống biển báo, đèn tín hiệu có được hoạt động bình thường hay không, làm rõ nơi tai nạn xảy ra có phải là nơi được phép bằng cắt qua đường sắt hay không.
Tai nan tau hoa 2 nguoi chet: Tai xe doi dien hinh phat nao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Luật sư Cường cho biết thêm, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy, người lái xe bán tải đã thiếu chú ý quan sát dẫn đến vụ tai nạn giao thông đường sắt và đường bộ gây hậu quả rất nghiêm trọng mà người lái xe này còn sống thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố người này về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người lái xe bán tải này cũng đã tử vong thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra với người này. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại vẫn sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ai có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường, người có lỗi đã tử vong mà còn để lại tài sản thì tài sản đó sẽ dùng để làm bồi thường cho người bị hại.
Ngoài ra cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ có hành vi cản trở giao thông đường sắt hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi mở lối đi băng cắt qua đường sắp trái phép gây ra tai nạn giao thông thì có thể xử lý hình sự về tội cản trở giao thông đường sắt theo quy định của Bộ luật Hình sự.  
Điều 268. Tội cản trở giao thông đường sắt
1. Người nào đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt; mở đường ngang, xây cống hoặc công trình khác trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt; phá hoại phương tiện giao thông đường sắt; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
 >>> Xem thêm video: Kinh hoàng cảnh tượng tàu hỏa va chạm xe ô tô, 2 người thiệt mạng
  
Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)