Tái diễn trấn lột ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Lẽ nào pháp luật bó tay?

Google News

(Kiến Thức) - Nạn lừa đảo, trấn lột ở nơi đâu cũng có nhưng trấn lột kiểu nhập vai những người tốt thì có lẽ chỉ có trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Tiếc rằng, thủ đoạn cũ nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mới mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Sáng ngày 2/8, anh Đặng Văn Lưu điều khiển xe SH chở vợ về quê thì rẽ nhầm vào Quốc lộ 1B. Khi đến một quán nước, có một người đàn ông và một người phụ nữ vẫy lại và thông báo đường cấm xe máy, phía trước có CSGT chốt chặn, nếu đi tiếp hay quay lại thì đều sẽ bị xử phạt nặng vì đi vào đường cấm. Hai người này tỏ ra là người tốt ngỏ ý giúp đỡ bằng cách khiêng xe máy qua dải phân cách ra khỏi đường cao tốc để đi xuống đường dân sinh. Nghĩ rằng, gặp người tốt vì họ giúp đỡ mà không nói gì đến tiền công xá nên anh Lưu đã đồng ý. Tuy nhiên, sau khi khiêng xe xong, các đối tượng mới báo phải trả tiền công cho những người khiêng xe.
Lúc này những người tốt mới lột mặt nạ hiện thân thành những kẻ trấn lột khi vợ chồng anh Lưu đưa cho 100.000 đồng nhưng các đối tượng không đồng ý mà nói gằn giọng phải đưa thêm. Và cái giá phải trả cho sự tin tưởng vào những “người tốt” trên là 150.000 đồng.
Tai dien tran lot o cao toc Phap Van - Cau Gie: Le nao phap luat bo tay?
 Nhóm đối tượng trấn lột tiền trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Tất nhiên, chuyện vợ chồng anh Lưu gặp phải không phải là câu chuyện duy nhất, có quá nhiều nạn nhân vì tin tưởng lòng tốt của các đối tượng này nên đã mắc bẫy. Ngay cả khi nhận được thông tin về tình trạng trên, một số phóng viên các báo thực tế nhập vai người đi nhầm đường cũng bị một đối tượng chặn lại, vẫn bổn cũ soạn lại với những lời cảnh báo đi tiếp sẽ bị phạt mấy triệu đồng. Sau đó, người này dẫn phóng viên đi ngược chiều đến vị trí khác rồi đòi tiền cảm ơn và không quên tỏ thái độ bặm trợn, giọng điệu thách thức khiến người đi nhầm đường phải móc ví đưa tiền cho chúng. Thậm chí, nếu khách không đưa tiền, chúng sẽ kéo nhau lại, gây sức ép.
Đáng chú ý, hoạt động trấn lột trắng trợn trên diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật trong thời gian dài, khu vực lại gần hai chốt CSGT nhưng nhóm người này vẫn nhởn nhơ trấn lột tiền của người dân. Nạn nhân của nhóm đối tượng phần vì sợ hãi, không muốn đôi co để chuốc họa vào thân, phần vì số tiền không lớn, đồng thời ngán ngại các thủ tục khai báo nên không trình báo với cơ quan công an mà đều nhắm mắt cho qua dù trong lòng có bực bội, bức xúc. Trong số đó, nhiều người đi đường là phụ nữ, khi bị nhóm đối tượng côn đồ vây quanh cũng lẳng lặng mà "dâng" tiền để được yên thân.
Sự im lặng, chấp nhận của các nạn nhân đã tiếp tay cho các đối tượng tiếp tục lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản của nhiều người khác và coi việc đó như một “nghề” kiếm bội tiền với vai “người tử tế”.
Những nguồn lợi mang lại mỗi ngày khiến các đối tượng bất chấp những hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải trả giá. Dù trước đó, vào năm 2017, báo chí từng phanh phui tình trạng trên và từng có 13 đối tượng bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) bắt quả tang hành vi lợi dụng người tham gia giao thông đi nhầm đường để đe dọa, lấy tiền và các đối tượng này đều phải trả giá cho những hành vi mà chúng gây ra.
>>> Mời quý độc giả xem Video: Côn đồ dàn cảnh 'dọa CSGT', trấn lột tiền người vi phạm ở Hà Nội - Nguồn VTC.

 

Tuy nhiên, đó không đủ để cảnh tỉnh các đối tượng “dày ăn, mỏng làm”, muốn làm việc nhẹ vẫn kiếm bội tiền nên tiếp tục bổn cũ soạn lại đi lừa đảo, trấn lột tiền người dân.
Những hành vi của các đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật về tội cưỡng đoạt tài sản mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự cũng như hình ảnh thủ đô văn minh, thanh lịch. Một thủ đô văn minh không chấp nhận những kẻ lừa đảo hoạt động công khai như thế.
Tất nhiên, những đối tượng vi phạm trên vừa phải trả giá khi mới đây, Công an quận Hoàng Mai đã vào cuộc bắt giữ 5 kẻ có hành vi cưỡng đoạt tài sản bằng thủ đoạn nêu trên. Danh tính của các đối tượng được công khai gồm: Nguyễn Thị Thúy (SN 1974, trú ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội); Tạ Đức Hạnh (SN 1976, ở Thanh Trì, Hà Nội); Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1967, trú ở Phú Xuyên, Hà Nội); Đỗ Trọng Lực (SN 1979, ở Thường Tín, Hà Nội) và Đặng Anh Khôi (SN 1971, quê quán Văn Giang, Hưng Yên).
Tuy nhiên, dư luận quan tâm, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng trên, cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng trên, tăng cường sự hiện diện của những người thực thi pháp luật tại khu vực này. Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi quản lý địa bàn không sâu sát, không kiểm tra thường xuyên để có những biện pháp chấn chỉnh, để xảy ra tình trạng trên trong suốt thời gian dài.
Bởi chúng ta ngoài việc không thể dung túng với tội phạm và không chấp nhận những hành vi tương tự tiếp tục tái diễn nơi cửa ngõ thủ đô đang xây dựng những hình ảnh văn minh, để người dân có thể ra đường mà không phải lo lắng bất an bởi những kẻ trấn lột núp vai người tốt như đã xảy ra suốt thời gian qua. Pháp luật không thể bó tay trước những hành vi vi phạm pháp luật công khai đến như thế.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)