Chiều tối 12/6, liên quan đến việc thí sinh hiểu nhầm đề thi Toán vào lớp 10, trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD&ĐT đã xử lý theo phương án đảm bảo mọi quyền lợi của thí sinh.
Theo đó, Sở GD&ĐT đã quyết định công nhận cả hai đáp án: Đáp án thứ nhất, dành cho những thí sinh làm đề thi bình thường, đáp án thứ 2 dành cho những thí sinh coi vệt mờ trên đề thi là dấu trừ.
|
Sáng 12/6, nhiều phụ huynh đã lên Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị cách giải quyết hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong vụ hiểu nhầm đề thi Toán dẫn tới mất điểm do đề in mờ. Ảnh: Mai Loan. |
Như vậy, nếu thí sinh làm đúng một trong hai đáp án đều sẽ được tính điểm, đảm bảo công bằng cho tất cả các em.
Sở GD&ĐT thông tin thêm, Sở đã chuẩn bị 10 tấn giấy để phục vụ cho hơn 115 ngàn thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT. Mặc dù, chỉ có một tỷ lệ thí sinh rất nhỏ bị ảnh hưởng nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội xác định trách nhiệm của Sở trong việc đảm bảo quyền lợi cho các em.
Trước đó, sáng 12/6, nhiều phụ huynh đã lên Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị cách giải quyết hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong vụ hiểu nhầm đề thi Toán dẫn tới mất điểm do đề in mờ.
Các phụ huynh đều chung ý kiến khẳng định, việc hiểu sang dấu trừ không phải lỗi của các thí sinh. Không có thí sinh nào lại muốn thêm dấu trừ để cho đề trở nên phức tạp. Thậm chí, có con lại hiểu có thể đề đang “đánh đố” thí sinh nên đã hiểu theo hướng khó hơn.
Theo các phụ huynh, việc để cho các con phân vân còn làm thí sinh mất thời gian, ảnh hưởng tới việc giải những câu sau, trong khi đó là câu rất dễ, dễ có điểm. Khi phát hiện ra bị hiểu nhầm đề thi Toán, ra khỏi cổng trường nhiều thí sinh đã khóc.
Phụ huynh cho rằng, Sở GD&ĐT nên lọc các bài các con hiểu nhầm đề thi môn Toán sang dấu trừ để có phương án xử lý.
“Có thể nhìn thấy là đề in mờ, đây hoàn toàn là do in ấn, nếu như đề thi không có lỗi thì làm sao các con có lỗi?”, các phụ huynh nêu câu hỏi.
Nhiều giáo viên cũng đã lên tiếng về vụ việc, cho rằng Sở GD&ĐT nên xử lý theo hướng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy Võ Quốc Bá Cẩn, giáo viên trường Archimedes Academy Hà Nội cho rằng, đề không sai, không có lỗi. Trước kỳ thi, học sinh cũng đã được phổ biến, trong 5 phút đầu khi nhận đề thi, thí sinh cần kiểm tra lại đề xem có bị mờ, có dấu hiệu bất thường thì báo lại cán bộ coi thi. Sau đó, cán bộ coi thi sẽ có trách nhiệm trao đổi với Hội đồng thi và sẽ có giải đáp với thí sinh.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, cuối đề thi có câu: “Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm”, và thí sinh trong tâm trạng trong phòng thi rất hồi hộp, áp lực nên có thể đã không dám hỏi, chỉ làm theo ý của mình hiểu. Các em không biết rằng, mình hoàn toàn được phép hỏi về chất lượng in ấn của đề thi.
Nhìn từ góc độ nhân văn, thầy Cẩn cho rằng, Sở GD&ĐT có thể cân nhắc, châm chước, có giải pháp nhân văn, linh hoạt cho các em, vì theo phản ánh, nhiều thí sinh hôm nay đã mắc lỗi này, mà lỗi lại không thuộc về kiến thức.
Nhiều phụ huynh chia sẻ đã rất vui mừng trước quyết định này của Sở GD&ĐT, đảm bảo quyền lợi cho các con sau những nỗ lực, cố gắng cho một kỳ thi nhiều áp lực.
Mời quý độc giả xem video: Phụ huynh kéo lên Sở Giáo dục kiến nghị “trả” lại điểm cho thí sinh do hiểu nhầm đề thi Toán". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.