Cuộc đua khốc liệt mang tên “trường chuyên”
Chị Nguyễn Phương Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị có một khát vọng cháy bỏng là cho con học trường chuyên. Lý do là vì, chị muốn con vào được một môi trường học tập tốt, có thầy giỏi, bạn giỏi con sẽ muốn phấn đấu.
|
Thí sinh tham dự kỳ thi vào trường chuyên. Ảnh: HUS. |
Tuy nhiên, con trai chị lại không thích. Cháu chỉ muốn thi vào Trường THPT Cầu Giấy gần nhà, và có nhóm bạn thân cũng thi vào trường đó. Cháu không thích bị quá áp lực khi vào một môi trường toàn “siêu sao”. Thế nhưng, chị vẫn ép con học và thi Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, chị đã phải thuê riêng cho con gia sư môn Toán dạy tại nhà, sẵn sàng trả học phí cao. Ngoài ra, cháu còn theo vài lớp học thêm ở ngoài.
“Vậy nhưng con bảo đề môn chuyên khó quá, con chỉ làm được khoảng 50%. Từ hôm cháu đi thi về, tôi cứ buồn ngẩn ngơ, nhưng không dám thể hiện vì con còn kỳ thi vào lớp 10 phía trước”, chị Hoa tâm sự.
Trái với con trai chị Phương Hoa, cháu Nguyễn Thúy Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại tự đặt mục tiêu cho mình phải vào bằng được trường chuyên, theo con đường của anh trai đã đi. Hôm thi xong, Quỳnh bỏ ăn, nằm khóc, vì bài làm không tốt.
Ngay khi kỳ thi vào lớp 10 các trường chuyên của Hà Nội bắt đầu, trên các diễn đàn đã “nóng rực” những chia sẻ, bàn luận. Mặc dù, đã có nhiều luồng quan điểm trái chiều xung quanh việc có nên cho con học trường chuyên, nhưng “cuộc đua” vào trường chuyên của Hà Nội mỗi năm chưa bao giờ hết “nóng”, nhất là khi các trường công bố tỷ lệ chọi.
Khát vọng cho con phải vào bằng được trường chuyên đã khiến cho “cuộc đua” vào trường chuyên qua mỗi năm lại càng thêm căng thẳng, áp lực. Điều đó lây sang cả các thí sinh. Nhiều em không làm được bài đã cảm thấy suy sụp, buồn bã, thấy có lỗi với bố mẹ.
Trường phù hợp nhất chính là sự lựa chọn khôn ngoan nhất
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, khi đã thi xong kỳ thi vào trường chuyên, coi như các em đã hoàn thành được mục tiêu đề ra, cần tạm khép lại.
|
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: USSH. |
Bởi bài thi đã làm xong rồi, dù có suy nghĩ nhiều về nó cũng không giải quyết được vấn đề gì. Trong khi đó, còn có thể gây tâm lý tiêu cực cho cả phụ huynh và thí sinh: Bố mẹ thì buồn, con thì chán. Việc khép lại, nhằm để hướng tới những mục tiêu trước mắt của mình. Chẳng hạn như tập trung cho kỳ thi vào lớp 10 THPT phía trước một cách tốt nhất.
Trong trường hợp các em bài làm không như ý thì cũng không nên buồn, tiếc vì tất cả đã qua rồi. Thực tế cho thấy, những người làm được nhiều việc là những người biết việc nào nên gác lại để hướng tới những mục tiêu khác, cao hơn.
Mỗi năm, cùng với cuộc đua khốc liệt vào trường chuyên là những cuộc tranh luận có nên cho con học trường chuyên, làm thế nào để biết con thực sự có năng lực, có phù hợp với môi trường áp lực, cạnh tranh cao của trường chuyên. Không ít người cho rằng, việc cha mẹ ép con vào học trường chuyên là ích kỷ, có khi là vì sĩ diện của cha mẹ, chứ không nghĩ cho con.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cho hay, điều quan trọng là phụ huynh phải hiểu được năng lực, sức học của con mình như thế nào để cho vào môi trường phù hợp.
Nếu sức học của con vừa phải, mà lại bắt con mình lại gánh nặng quá, vào môi trường có nhiều sự cạnh tranh, rồi áp lực học tập cao thì cũng không tốt cho con. Cho nên, vấn đề ở đây là cần căn cứ vào thực tiễn, thực tế. Ngoài ra, còn phải dựa vào sở thích, nguyện vọng của con mà chọn trường cho phù hợp. Không nhất thiết phải là trường chuyên mới tốt, nếu như con mình chưa đủ các điều kiện phù hợp.
“Không có trường nào tốt nhất, duy nhất, mà chỉ có sự lựa chọn hợp lý nhất. Trường phù hợp nhất chính là sự lựa chọn khôn ngoan nhất”, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nhắn gửi tới các thí sinh, để có một kỳ thi tốt, điều đầu tiên là các em phải giữ gìn sức khỏe. Mà muốn giữ gìn sức khỏe, thì không nên bị gánh nặng tâm lý hoặc lo âu nhiều. Phải luôn luôn giữ một tâm lý thoải mái nhất. Cùng với đó là sự tự tin, điều này cũng giúp các em giảm được áp lực. Nhất là trong thời tiết nắng nóng, nếu lo nghĩ nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Một điều quan trọng nữa, đó là các em luôn phải nghĩ vượt được lên chính mình để hoàn thành mục tiêu đề ra. “Và sau cùng phải có quyết tâm. Bình thường người ta hay đưa quyết tâm lên đầu tiên, nhưng kinh nghiệm của tôi sự thoải mái phải được đặt lên đầu. Bởi nếu tâm trí không thoải mái thì các em dễ bị mệt mỏi sau thời gian dài học căng thẳng”, ông Liệu nói. Cuối cùng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên KHXH&NV lưu ý thi sinh, khi vào phòng thi cũng phải giữ được một tâm thế thoải mái nhất, bình tĩnh, tự tin để làm bài thi tốt nhất có thể.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 10 - 11/6. Buổi sáng 10/6 thí sinh thi Ngữ văn, chiều cùng ngày thi Ngoại ngữ; sáng 11/6 thi môn Toán.
Mời quý độc giả xem video: Chàng trai “vàng” Toán học Ngô Quý Đăng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về niềm đam mê với Toán học. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.