Ngày 21/1, siêu xe Lamborghini Murcielago LP670-4SV đang lưu thông hướng Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) về TP.HCM thì tông chết ông Ngô Văn Trung, 53 tuổi, khi người này qua đường không đúng nơi quy định.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), bước đầu tiên, cơ quan công an cần xác định nguồn gốc chiếc Lamborghini Murcielago LP670-4SV, biết được chủ sở hữu của chiếc siêu xe này hiện nay là ai, từ đó truy tìm người lái xe tông chết người.
“Trong các vụ án về tai nạn giao thông khác, khi phương tiện liên quan vụ tai nạn không có nguồn gốc rõ ràng, cơ quan điều tra phải phát tín hiệu tìm chủ xe. Vì chiếc siêu xe này có nguồn gốc nhập đặc biệt, cả nước chỉ có một chiếc, nên tôi nghĩ việc truy tìm người sở hữu là không khó, vì người sở hữu trước chắc chắc phải biết người sở hữu sau”, luật sư Trạch cho biết.
|
Chiếc siêu xe Lamborghini tông chết người khi đang trên đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn, trên hành trình Xe và Đam mê (Car Passion). Ảnh: Thanh Vu. |
Luật sư Thế Trạch đặt trường hợp chủ sở hữu A đã bán chiếc siêu xe cho người B, giao dịch này chưa được làm thủ tục chuyển nhượng mà người B đã sử dụng xe hoặc thậm chí là bán cho người C, trong trường hợp này, cả ba người A, B, C đều phải chịu trách nhiệm liên đới.
Có bồi thường hay không?
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM, thông thường trong các tai nạn giao thông, lỗi thuộc về cả hai phía, người gây tai nạn và người bị nạn. Cơ quan điều tra phải căn cứ vào clip, lời kể nhân chứng và dấu vết hiện trường, để phân tích tỉ lệ lỗi của các bên và đưa ra kết luận đúng.
Nhiều trường hợp người đi bộ phải là người bồi thường vì qua đường sai quy định, gây thiệt hại cho người điều khiển phương tiện.
“Trong trường hợp siêu xe tông chết người như trên, cần xét xử đúng và xử lý bình đẳng. Nếu người điều khiển phương tiện không có dấu hiệu vi phạm luật giao thông thì không có trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường”, luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.
Rời hiện trường sau tai nạn có phạm luật?
Tuy có ý kiến trái chiều nhưng các luật sư đều thống nhất người điều khiển siêu xe đã vi phạm quy định tại Điều 38 Luật giao thông đường bộ.
|
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: B.Đ. |
Theo đó, người lái xe và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải dừng ngay xe lại, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi cơ quan công an đến.
Trừ trường hợp người lái xe cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc trường hợp vì lý do bị đe doạ đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
“Việc rời bỏ hiện trường sau khi tông người có thể được xem là tình tiết tăng nặng. Đặc biệt trong trường hợp không có dấu hiệu cho thấy người gây tai nạn bị người nhà nạn nhân hoặc người dân xung quanh đe dọa đến tính mạng và sức khỏe. Sau này, dù có đầu thú cũng không còn nhiều ý nghĩa”, luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.
|
Theo cảnh sát giao thông, vụ tai nạn xảy ra vào trưa nay, lúc 11h ngày 21/1, trên quốc lộ 51, tại Km 26+300, đoạn thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Thanh Vu. |
Về hình thức xử lý, luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho biết trong trường hợp người bị hại đã chết ngay sau khi bị tông, người điều khiển siêu xe sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 102 Bộ luật hình sự.
Còn nếu người bị hại chưa chết ngay, đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà người gây tai nạn không cứu giúp thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.