Siêu bão Noru áp sát đất liền, miền Trung mưa lớn

Google News

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Siêu bão Noru chỉ cách đất liền Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 210km
Bản tin 17h của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hồi 16h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-16km/giờ), giật cấp 17.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Sieu bao Noru ap sat dat lien, mien Trung mua lon
Bão Noru đang áp sát đất liền.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ.
Đến 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó tiếp tục di chuyển sang Lào và suy yếu dần.
Đến 16h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Sieu bao Noru ap sat dat lien, mien Trung mua lon-Hinh-2
Lốc xoáy ở Gio Linh (Quảng Trị). 
Đêm 27/9, khu vực Quảng Trị - Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.
Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao 7-9m, biển động dữ dội.
Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,2-1,7m (Quảng Bình: 1,2m; Quảng Trị: 1,3m; Huế: 1,5m; Đà Nẵng:1,7m; Quảng Nam: 1,5m; Quảng Ngãi: 1,0m) mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 1,5-2,5m (Quảng Bình: 1,6m; Quảng Trị: 2,0m; Huế: 1,8m; Đà Nẵng: 2,5m; Quảng Nam: 2,5m; Quảng Ngãi: 1,5m), nguy cơ cao ngập tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Cảnh báo mưa lớn: từ đêm 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất, ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Cấp độ rủi ro thiên tai: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định: cấp 4. Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai: cấp 3.
Sieu bao Noru ap sat dat lien, mien Trung mua lon-Hinh-3
Đảo Lý Sơn đang mưa lớn. 
Nhiều địa phương bắt đầu bị ảnh hưởng
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang có gió bão cấp 7-8, giật cấp 9 kèm theo mưa lớn, biển động dữ dội. Mưa bão đã làm gãy đổ một số cây trên tuyến đường trung tâm huyện. Mưa to cũng gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường trũng thấp. Dự báo tối nay, 27/9, bão số 4 đổ bộ Lý Sơn với sức gió mạnh kèm mưa to. Huyện, Lý Sơn đôn đốc phân công các lực lượng trực 24/24h để xử lý tình huống, đồng thời khuyến cáo người dân không ra đường khi mưa bão đổ bộ vào bờ.
Đến thời điểm này công tác phòng, chống bão số 4 tại Lý Sơn đã cơ bản hoàn tất. Toàn bộ tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được đưa vào neo trú an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã kiểm tra các điểm xung yếu tại các tuyến đê kè ven biển, chỉ đạo cho các ngành chức năng tuyên truyền, vận động các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, vùng nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn.
Sieu bao Noru ap sat dat lien, mien Trung mua lon-Hinh-4
Ảnh: VTV 
Cũng tại Quảng Ngãi, chiều 27/9, trước giờ bão đổ bộ, nhiều người dân ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã xuống hầm trú ẩn để tránh bão.
Tại Quảng Trị: Chiều 27/9, một cơn lốc xoáy quét qua khu phố 3, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh khiến một số cây xanh bị gãy, nhà cửa và quán xá bị tốc mái.
Tại Quảng Nam: Mưa lớn tại khu vực Tân Hiệp và đang tràn ngập các tuyến đường giao thông dù gió chưa to. Tại Hội An, nhiều tuyến đường đã bị ngập, người dân đã không ra khỏi nhà.
Chiều 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký Công điện khẩn yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4.
Công điện nêu rõ, bão số 4 với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về vùng biển và đất liền, diễn biến bão còn rất phức tạp, khó dự báo. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, từ nay đến ngày 29.9, các địa phương trong tỉnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa ở các địa phương phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi trên 450mm, các sông trên địa bàn có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ các sông mức báo động 2 đến trên mức báo động 3, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của nhân dân.
Khẩn trương triển khai ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế của bão, mưa lũ trên địa bàn. Trong đó tập trung hoàn thành công tác di dời, sơ tán nhân dân khỏi các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; kiểm soát, phân luồng giao thông, chốt chặn tại các khu vực nguy hiểm, ngập sâu dự trữ lương thực, thực phẩm; đảm bảo an toàn hồ đập và sẵn sàng lực lượng phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Tại Đà Nẵng, mưa lớn, gió bắt đầu ảnh hưởng. Đà Nẵng đã cho đóng cầu Thuận Phước bắc qua sông Hàn ngay cửa biển Đà Nẵng để đảm bảo an toàn cho người dân.
Hình ảnh đầu tiên từ đảo Lý Sơn khi bão Noru ảnh hưởng:

Nguồn: Zingnews

Nhiều tỉnh cấm xe vào tâm bão số 4
Để phòng tránh bão Noru, dự kiến đổ bộ vào đất liền trong hôm nay và ngày mai, nhiều địa phương được yêu cầu cấm đường, ngăn không cho xe đường dài di chuyển trên quốc lộ 1A.
Cụ thể, chiều 27/9, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết vừa có thông báo hướng dẫn các địa phương triển khai cấm đường, ngăn không cho xe đường dài đi về phía tâm bão từ 22h tối nay (27/9)
Theo đó, với hướng từ phía nam ra, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Khánh Hòa triển khai đóng đường quốc lộ 1A, ngăn phương tiện về phía Quảng Nam, Đà Nẵng. Tương tự, hướng phía bắc vào, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình sẽ yêu cầu tài xế tìm nơi dừng nghỉ không lưu thông về phía tâm bão cho đến khi bão đi qua. Hướng cửa ngõ Tây Nguyên, giao Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các xe đường dài dừng lưu thông về phía tâm bão từ 22h ngày 27/9. Được biết, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến đóng tuyến từ 22h hôm nay.
Cục CSGT, trường hợp phương tiện dừng đỗ ở 3 địa phương Quảng Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk quá tải sẽ điều động các địa phương lân cận để điều tiết, ngăn lưu thông từ xa như Hà Tĩnh, Đăk Nông...

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)