Chỉ thị số số 11-CT/TƯ của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ký ban hành ngày 20/12, trong đó có nội dung Lãnh đạo Đảng, Nhà nước không đi thăm, chúc Tết địa phương. Các địa phương cũng được quán triệt không chúc Tết Trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Các địa phương
không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo…
|
Pháo hoa rực sáng bầu trời TP HCM dịp Tết 2015. |
Trước đó, UBND TP HCM đã có thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về việc tổ chức bắn pháo hoa tầm cao (đường hầm sông Sài Gòn, quận 2) và tầm thấp (công viên Văn hoá Đầm Sen, quận 11) dịp mừng năm mới 2017 và bắn pháo hoa ở 7 điểm (1 tầm cao và 6 tầm thấp) dịp giao thừa Tết Đinh Dậu 2017.
Trước những thông tin trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM.
Theo ông Hoan, chủ trương cấm đốt pháo (kể cả pháo hoa) đã thành luật và được thực hiện từ hơn 20 năm qua.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và không sử dụng tiền ngân sách, kinh phí do xã hội hoá, TP HCM và một số địa phương khác đã xin và được Trung ương cho phép tổ chức bắn pháo hoa trong những dịp lễ lớn, Tết dương lịch, giao thừa Tết nguyên đán.
“Khi nhận được thông tin về Chỉ thị nói trên, UBND TP HCM sẽ xem xét, báo cáo lại để xem phải xin ý kiến mới hay vẫn thực hiện như từ trước đến nay”, Chánh Văn phòng UBND TP HCM cho biết.
Được biết, hàng năm vào mỗi dịp lễ lớn như ngày Thống nhất đất nước 30/4, ngày Quốc khánh 2/9, ngày đầu năm mới Tết Dương lịch, giao thừa Tết âm lịch, TP HCM thường tổ chức điểm bắn pháo hoa tầm cao ở nóc hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2) và các điểm tầm thấp ở huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ… để phục vụ người dân từ các quận trung tâm ra đến ngoại thành.
Video pháo hoa rợp trời Sài Gòn mừng 41 năm ngày thống nhất: