Rùng mình 8 hình phạt quái dị khiến học sinh ám ảnh

Google News

Bắt học sinh liếm ghế giáo viên, ép học sinh ăn ớt đến phồng mồm, bắt học sinh uống nước giẻ lau… là những hình phạt không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục.

2018: Bắt học sinh uống nước giẻ lau ở Hải Phòng
Mới đây, vụ cô giáo bắt học sinh (HS) tiểu học uống nước vắt từ giẻ lau bảng ở Hải Phòng đã khiến dư luận phẫn nộ.
Đầu tháng 3, chỉ vì nói chuyện riêng trong lớp mà em Phương Anh (lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) đã bị cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương phạt bằng cách ép uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Ban đầu bé Phương Anh không uống, nhưng cô Hương nói nếu không uống cô sẽ đổ vào mồm nên em buộc phải uống.
 Vụ việc HS bị cô giáo ép uống nước vắt từ giẻ lau bảng khiến dư luận rất bức xúc. Ảnh: Internet
Bức xúc với việc làm này, gia đình em Phương Anh đã phản ánh với lãnh đạo nhà trường về hành vi của cô Hương. Hiệu trưởng đã yêu cầu cô Hương phải tới gia đình xin lỗi gia đình HS.
Trước đó cô Hương đã nói sẽ phạt HS bằng cách uống nước vắt từ giẻ lau bảng, giao cho lớp trưởng theo dõi. Em Phương Anh là HS đầu tiên bị phạt bằng hình phạt này.
Ngày 5-4, bà Trần Thị Ngọc Bảo (Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương) đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng đối với cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên hợp đồng của trường.
2017: Dùng thước đánh tím chân học sinh ở Hà Nội
Ngày 9-9, trên mạng xã hội lan truyền thông tin cô Vinh (giáo viên lớp 2A, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Hà Nội) dùng thước kẻ đánh tím chân HS tên Đ. vì lý do vào lớp muộn.
Sau khi gia đình em Đ. đưa em đến BV Xanh Pôn kiểm tra vết thương, các bác sĩ chẩn đoán em bị chấn thương phần mềm cẳng chân cả hai bên.
Học sinh bị cô giáo đánh tím chân tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Hà Nội. Ảnh: Internet 
Sau khi vụ việc được chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều phụ huynh có con học cùng lớp với em Đ. đã lên tiếng phản ánh về việc con em họ cũng bị cô giáo dùng thước đánh vào tay, chân, lưng hoặc véo tai rất mạnh. Theo đó, các phụ huynh chia sẻ có đến 11 HS từng bị cô Vinh dùng thước đánh.
Cô Vinh sau đó đã bị hội đồng kỷ luật của trường kỷ luật với hình thức cảnh cáo.
2016: Cho cả lớp cào, tát vào mặt học sinh vì nói bậy ở Hà Nội
Được lớp trưởng lớp 4A Trường Tiểu học Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội báo HS tên Nam nói bậy, cô Hồng Anh (giáo viên chủ nhiệm lớp) đã cho hơn 40 HS cào, tát em HS này. Hậu quả má em bị sưng tấy, trầy xước, tâm lý rất sợ hãi.
Trường Tiểu học Ninh Sở, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Internet 
Sau khi được phụ huynh thông báo, Trường Tiểu học Ninh Sở đã yêu cầu cô Hồng Anh tường trình. Cô giáo thừa nhận "sai phạm lớn", sau đó đến nhà xin lỗi phụ huynh, HS.
Trường Tiểu học Ninh Sở đã ra quyết định đình chỉ công tác giảng dạy của cô Hồng Anh một học kỳ.
2015: Ép học sinh súc miệng bằng nước xà phòng ở Vĩnh Phúc
Việc cô giáo Lê Thị Mỹ Hạnh (chủ nhiệm lớp 6C, Trường THCS Nhân Đạo, Sông Lô, Vĩnh Phúc) “ép” bảy HS phải súc miệng bằng nước xà phòng trong giờ sinh hoạt lớp một thời gian đã khiến dư luận bức xúc.
 Trường THCS Nhân Đạo. Ảnh: Internet.
Vào giờ sinh hoạt cuối tuần ngày 3-10, cô Hạnh đã bắt bảy HS thuộc dạng cá biệt của lớp phải súc miệng bằng xà phòng nhiều lần. Trước đó, giáo viên này đề ra nội quy của lớp là: “Nếu ai vi phạm nội quy nhiều lần thì phải súc miệng bằng xà phòng”.
Trường THCS Nhân Đạo đã cảnh cáo, cho thôi chủ nhiệm lớp đối với cô giáo Hạnh.
2014: Bắt học sinh ăn ớt ở Bình Phước
Năm 2014, ba giáo viên ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu (thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) đã bị kiểm điểm nghiêm khắc vì hình phạt cho 19 HS ăn ớt.
Trước đó, trong hai ngày 18 và 19-2, ba giáo viên trên đã phạt hàng chục HS các lớp 4B1, 4B2 và 5B1 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp. Nhiều em bị bắt ăn ớt dẫn đến cay nóng, đỏ miệng, đỏ môi, phải uống nước liên tục.
Sau khi nhận được đơn kiến nghị của các phụ huynh, nhà trường đã họp và thống nhất sẽ cắt thi đua cả năm học với ba giáo viên trên. Người phạt HS ăn nhiều ớt nhất là cô Lê Thị Ánh Tuyết bị cho nghỉ khối trưởng khối 4, đưa ra khỏi nguồn đối tượng Đảng và cho nghỉ thành viên ban thanh tra nhân dân.
2013: Bắt học sinh ngậm khăn lau bảng ở TP.HCM
Mới được giao chủ nhiệm lớp 2 hai tuần, một cô giáo Trường Tiểu học Liên Minh Công Nông (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã bị dư luận phản ứng khi cho 11 HS ngậm giẻ lau bảng.
Theo cô này, lớp học có 40 em. Cứ mỗi lần cô quay lên viết bài trên bảng là HS phía dưới lại nói chuyện ồn ào. Nhắc nhở không được, cô dọa sẽ quẹt giẻ lau bảng vào miệng em nào nói chuyện riêng. Nhưng sự việc vẫn tiếp tục tái diễn.
Quá giận, cô đã cho 11 em nói chuyện riêng chuyền nhau giẻ lau bảng để ngậm. Sau khi HS về kể chuyện này với cha mẹ, các phụ huynh đã gặp ban giám hiệu phản ứng rất dữ. Cô giáo đã bị kỷ luât.
2012: Nhúng đầu học sinh vào thùng nước bẩn ở Nghệ An
Cuối năm 2012, ở Trường Tiểu học Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) xảy ra sự việc chín HS lớp 5C tự nhúng đầu vào thùng nước để được vào học do cô giáo dọa sẽ nhúng đầu các em vào bồn cầu, thùng nước trong nhà vệ sinh do lười học.
Em Võ Văn Tuấn, một HS trong nhóm trên, kể: “Do cháu và nhiều bạn nữa không học thuộc bài cũ cô giáo giao cho nên cô bảo sẽ phạt là tự nhấn đầu mình vào bồn cầu, hoặc tự nhúng đầu vào thùng nước trong nhà vệ sinh. Do sợ bị nhúng đầu vào bồn cầu nên chín đứa bọn cháu đã nhúng đầu vào thùng nước để được vào học”.
Sau khi sự việc xảy ra, các em không dám nói với cha mẹ vì cô dọa nếu kể cho cha mẹ sẽ phạt nặng hơn.
2003: Bắt học sinh liếm ghế vì vẽ bậy ở Hà Tĩnh
Thấy ghế giáo viên và hai bàn đầu của lớp học bị vẽ bẩn, cô Trần Thị Phương Lan (giáo viên Anh văn, lớp 7I Trường THCS Hoa Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã bắt 47 HS phải liếm ghế cho sạch.
Sau đó, cô Lan bắt các em bỏ phiếu kín ghi tên “kẻ trót dại”. Kết quả cuộc thăm dò cũng không thu được kết quả vì tất cả đều là phiếu trắng. Cô Lan nổi khùng, xé phiếu bỏ vào thùng rác rồi tiến hành hình phạt đợt 2 như cũ.
Đến tối nhiều phụ huynh HS gặp giáo viên chủ nhiệm lớp trình báo, lúc này nhà trường mới biết sự việc. Cô Lan đã bị kỷ luật với hình thức hạ ngạch công chức, chuyển từ giáo viên xuống làm văn thư hành chính.
Theo Giang Thanh/Pháp luật TP.HCM

>> xem thêm

Bình luận(0)