Đó là hai trong số hàng loạt lý do dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong ngành y được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” diễn ra sáng nay, 21-8, tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng 21-8 tại Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh
Tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan thẳng thắn nhìn nhận trong công tác của ngành vẫn còn bộc lộ tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm, cụ thể: Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế mà chúng ta đã thấy rõ trong phòng, chống dịch giai đoạn vừa qua.
Các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như mệnh giá bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...
Cùng với đó là những thách thức do mô hình bệnh tật thay đổi; tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Nhu cầu, kỳ vọng của người dân cao hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời.
Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc.
Hiện vẫn có một số địa phương không đạt tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Cùng đó, hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối....
Tồn đọng hồ sơ, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp; còn nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký (thiếu chuyên gia, chất lượng hồ sơ nộp thấp, mức thu phí thấp,…).
Ngân sách nhà nước cho y tế và BHYT có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao ( trên 40% tổng chi). Độ bao phủ BHYT rộng nhưng chưa bền vững.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngoài yếu tố khách quan như ảnh hưởng của dịch COVID-19, những vấn đề đã tồn tại lâu dài của hệ thống y tế nhưng chưa được giải quyết triệt để thì việc tồn tại, hạn chế trong ngành y còn do một số nguyên nhân chủ quan, cụ thể:
- Việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước trong thực thi công vụ tại một số đơn vị có nơi, có lúc còn thiếu chủ động trong giải quyết công việc, nhiệm vụ được giao; còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ thanh tra, kiểm tra.
- Phương pháp, cách thức quản lý điều hành chưa thực sự đổi mới; tổ chức triển khai thực hiện việc phân cấp, phân quyền chưa thật sự mạnh mẽ; việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ chưa hiệu quả.
- Việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế (ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành) còn chậm, chất lượng chưa cao dẫn đến dẫn đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Đầu tư của Nhà nước và việc huy động các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân còn một số khó khăn, hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa được quan tâm đúng mức; thi đua, khen thưởng có lúc, có nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa chú trọng người làm trực tiếp.
Bên cạnh những hạn chế, tồn tại mà ngành đang phải đương đầu vượt qua, tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng.
Theo Quyền Bộ trưởng, về cơ bản, ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; đồng thời đạt được một số kết quả chủ yếu như: Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân.
Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.
Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (Sởi, Sốt xuất huyết, SARS, Cúm A,…).
Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế công nhận và trao đổi kinh nghiệm…