Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng lên. Theo đó, mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.
Cũng theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2022, có 8 nhóm đối tượng sẽ được tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021, gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, quân nhân, công an… đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; công nhân cao su, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bộ đội, công an tham gia kháng chiến chống Mỹ đã xuất ngũ về địa phương...
Nghị định cũng quy định những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 được tăng thêm 200.000 đồng/tháng nếu mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; người hưởng lương hưu được tăng lên thành 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định này là căn cứ để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
|
Kể từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng lên. |
Điều chỉnh cách tính lương hưu với lao động nam
Lương hưu năm 2022 vẫn được tính theo công thức sau:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Nhưng với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 có sự điều chỉnh.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH 2014 quy định: từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Như vậy, theo quy định này thì từ năm 2022 trở đi, lao động nam phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được tính tỷ lệ hưởng thấp nhất là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (còn tỷ lệ ở lao động nữ chỉ là 15 năm đóng BHXH). Trong khi đó, ở năm 2021, chỉ cần đóng BHXH đủ 19 năm là lao động nam đã được hưởng 45%.
Để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% khi nghỉ hưu thì từ năm 2022, lao động nam phải có thời gian đóng BHXH đủ 35 năm trở lên (năm 2021 chỉ cần đóng từ đủ 34 năm trở lên).
Tăng tuổi nghỉ hưu
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2022 có người lao động sẽ tăng lên so với năm 2021.
Tuổi nghỉ hưu năm 2022 của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Tuổi nghỉ hưu năm 2022 đối với lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam. So với tuổi nghỉ hưu năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ.
Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc ở điều kiện bình thường. Cụ thể:
- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên. Đối với trường hợp này, tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động năm 2022 là 55 tuổi 6 tháng đối với nam và 50 tuổi 8 tháng đối với nữ.
Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường: Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc ở điều kiện bình thường tại thời điểm nghỉ hưu. Cụ thể: Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu.