Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 của Ban Dân nguyện cho thấy, cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc tính toán, chi trả sai lương hưu dẫn đến phải điều chỉnh và thu hồi lương hưu đối với hàng nghìn giáo viên mầm non đã nghỉ hưu trước năm 1998.
Trả lời cử tri, Bảo hiểm xã hội Việt Nam biết, tại tỉnh Thái Bình có 974 giáo viên mầm non được chi trả số tiền cao hơn quy định. Tổng số tiền chi sai là hơn 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình mới thu hồi được gần 3,4 tỷ đồng (44,7%).
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thái Bình. |
Đáng chú ý, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, sai phạm trong tính toán chi trả tiền lương hưu đối với một số giáo viên mầm non tại Thái Bình là có và hiện BHXH đang khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, vấn đề cử tri quan tâm là trách nhiệm của người liên quan thì chưa được trả lời.
Do đó, Ban Dân nguyện kiến nghị BHXH Việt Nam cần bổ sung văn bản trả lời kiến nghị cử tri Thái Bình, nêu rõ kết quả xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có sai phạm của các cơ quan có thẩm quyền.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc, sai phạm về tài chính bị phát hiện thì phải kịp thời điều chỉnh, sửa đổi và thu hồi số tiền do sai phạm gây ra theo quy định của pháp luật để tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Cùng với đó, phải đặt ra trách nhiệm của người đã gây ra sai phạm.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ quy trình, thủ tục, thẩm quyền trong việc tính tiền lương, chế độ của giáo viên mầm non nghỉ hưu trước năm 1998 ở địa phương này, tại sao đến năm 2018 mới phát hiện và truy thu số tiền chi sai?” – luật sư Cường cho biết.
Luật sư Cường cho rằng, để xem xét trách nhiệm pháp lý đối với sai phạm trong việc tính toán, chi sai chế độ đối với giáo viên mầm non, cần làm rõ lỗi ở đây là cố ý hay vô ý có tư lợi hay không, có ai cố ý không thực hiện hoặc thực hiện sai nhiệm vụ hay không? Trình độ năng lực của những người có liên quan trong vụ việc này như thế nào để làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trong trường hợp sai phạm xuất phát từ lỗi cố ý và có yếu tố tư lợi, vụ việc có dấu hiệu hình sự, người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các tội danh khác đến về chức vụ theo quy định của bộ luật hình sự... Tùy thuộc vào hành vi cụ thể và hậu quả gây ra.
“Còn nếu sai phạm không có chủ ý, không có tư lợi mà là vấn đề chuyên môn nghiệp vụ thì cũng cần xem xét năng lực, trình độ của các cán bộ có liên quan, xem xét việc tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí công tác như vậy đã phù hợp hay chưa. Với lỗi vô ý nhưng gây thiệt hại đến hàng tỷ đồng cho nhà nước như vậy, cũng cần phải xem xét trách nhiệm kỷ luật và có thể phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước theo quy định” – luật sư Cường cho hay.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ Thái Bình chi sai 7,5 tỷ lương hưu cho giáo viên.
>>> Mời độc giả xem video Tăng lương có đủ sống?