Quang Rambo bị bắt: Nhan nhản giang hồ từ đời thực đến mạng xã hội vì sao nở rộ?

Google News

(Kiến Thức) - Quang "Rambo", Khá "bảnh"... những hiện tượng lệch chuẩn theo kiểu giang hồ đã tồn tại và có những ảnh hưởng nhất định ngoài đời thực, lẫn mạng xã hội. Vậy tại sao nhiều kẻ đã vào vòng lao lý nhưng giang hồ vẫn nở rộ? 

Nhan nhản giang hồ từ mạng đến đời thực
Mới đây (ngày 9/8) Đỗ Văn Quang (tức Quang 'Rambo', 35 tuổi), Đỗ Văn Thịnh (33 tuổi), Nguyễn Đức Nhân (33 tuổi), Nguyễn Văn Huy (18 tuổi) và Nguyễn Xuân Linh (30 tuổi) bị cảnh sát hình sự Hà Nội bắt quả tang có hành vi đòi nợ thuê.
Theo cơ quan điều tra, Quang được biết tới với biệt danh Quang "Rambo", đăng nhiều video thể hiện là "đại ca giang hồ" trên Facebook với 135.000 lượt theo dõi.
"Những hành động của Quang và băng nhóm khiến giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc, từ đó gây ra những hệ luỵ xấu trong xã hội", một điều tra viên thụ lý vụ án nói.
Quang Rambo bi bat: Nhan nhan giang ho tu doi thuc den mang xa hoi vi sao no ro?
Hình ảnh tự quảng bá của Quang Rambo trên mạng xã hội, trước khi đi đòi nợ thuê ngoài đời thực và bị bắt giữ.
Thời gian qua, dư luận rất đồng tình khi cơ quan chức năng đề nghị xóa bỏ đối với những kênh Youtube "giang hồ" tục tĩu như Khá bảnh hay "thánh chửi" Dương Minh Tuyền... nhằm làm sạch môi trường mạng, ngăn ngừa sự lệch chuẩn lan truyền trong giới trẻ. Cùng với đó, Khá bảnh hay Dương Minh Tuyền cũng thi nhau “nhập kho” vì những hành vi vi phạm pháp luật khác nhau.
Tuy nhiên, điều khiến chúng ta giật mình, là thời gian gần đây, nhan nhản giang hồ từ đời thực đến mạng xã hội thi nhau nở rộ. Thậm chí, những hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn của “giang hồ mạng” đã lôi kéo nhiều thanh niên làm theo, trở thành trào lưu trong một giới trẻ, thực trạng rất đáng báo động.
Thế hệ chúng tôi lớn lên, ai cũng quen, biết, thậm chí kết bạn với vài anh chàng lêu lổng phá làng phá xóm. Những anh chàng lêu lổng, du côn du đãng ấy, chỉ một số ít đi theo con đường “chuyên nghiệp”, vào tù ra tội, tiền án tiền sự đầy mình, dần dần tích lũy đủ “số má” để rồi trở thành dân xã hội đen. Sau đó, những thành phần ấy làm đại ca, có địa bàn, có băng đảng. Dân "anh chị" thứ thiệt chẳng ai cắt cái tóc như thế, xăm trổ như thế, rồi cởi trần múa may quay clip như thế cả.
Một người bạn nói với tôi rằng: “Mấy anh này nếu gọi chuẩn mực thì là giang hồ bụi với tính cách vô cùng tiết kiệm: săm vào người hoa lá để đỡ tiền may quần áo. Vẫn phải lên mạng làm kênh Youtube kiếm thêm tý tiền để nuôi mấy anh em khác sống qua ngày. Số tiền mấy anh ấy có chỉ là tý phần nổi so với mấy anh giang hồ thật. Giang hồ thật thì không ai lộ diện bao giờ tìm khắp thông tin trên mạng cũng bặt vô âm tín!”.
Thế nhưng, việc Quang "Rambo" bị bắt, trước đó là Khá Bảnh, hay Dương Minh Tuyền… liệu có giải quyết rốt ráo tận gốc rễ vấn nạn này?
Vì thực tế đã cho thấy, sau Quang "Rambo", Khá "bảnh" bị bắt sẽ lại có các giang hồ khác xuất hiện cả trên mạng và đời thực?
Tại sao giang hồ nở rộ?
"Việc giang hồ nở rộ, đặc biệt là giang hồ mạng có nhiều lý do, điều đầu tiên có thể nói, việc nở rộ “giang hồ mạng” là vì tiền. Tuy nhiên, “Kiếm tiền trên mạng có nhiều cách, nhưng thường xuyên lên mạng câu view, câu like, làm những động tác khác người sau đó đưa lên Youtube để kiếm tiền, theo tôi là phi đạo đức, không thể hiện được sự tích cực trong xã hội. Nếu bạn trẻ nào muốn kiếm tiền bằng cách đó thì cần suy nghĩ lại”.TS tâm lý Bùi Hồng Quân nói.
Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao giới trẻ lại thần tượng những “giang hồ”? Phải chăng, giới trẻ đang rơi vào trạng thái “khủng hoảng” thần tượng. Bởi, thông thường, thần tượng một người nào đó vì họ có những điều bản thân mình mong muốn nhưng không có được, và "idol" giúp "hiện thực hóa" một phần giấc mơ của mình. Bản thân trong cách hiểu về thần tượng không chỉ ra rằng thần tượng là phải tốt hay phải xấu - nó chỉ phản ánh một câu chuyện tâm lý của mỗi người.
Quang Rambo bi bat: Nhan nhan giang ho tu doi thuc den mang xa hoi vi sao no ro?-Hinh-2
Nhan nhản giang hồ thật đến giang hồ mạng, đó là một thực trạng đáng báo động.
Vì kiếm tiền mà tạo ra các nội dung không tốt tạo mối lo, mầm họa cho thế hệ trẻ tương lai thì chúng ta cần có biện pháp và cách giải quyết thỏa đáng. Hiện nay, số lượng các kênh về bạo lực ngày càng được giới trẻ tìm kiếm nhiều hơn trên Youtube, điều này chứng tỏ các em quan tâm đến chủ đề này.
Khi cuộc sống trong đời sống thực chưa đủ đáp ứng nhu cầu tinh thần thì các em sẽ tìm đến "thế giới ảo" như mạng xã hội và các trang web. Thực tế này phần nào phản ánh những mâu thuẫn trong nội tâm mà các em không biết cách giải tỏa hoặc sự thiếu hụt về đời sống tinh thần của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Hay, đó chỉ là bước đệm để bước ra ngoài đời thực như trường hợp của Quang "Rambo" mới bị bắt như đã nêu ở trên. Fanpage có tên “Đỗ Văn Quang” hiện đang thu hút tới gần 14.000 lượt người thích. Trang này quảng cáo rằng chuyên cung cấp dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp, thu hồi nợ xấu và mua bán SIM.
Trong khi đó, trên Youtube, Quang "Rambo" có nhiều clip liên quan đến việc đi đòi nợ, đeo dây chuyền, nhẫn to, khoe tiền... để khuyếch trương thanh thế.
Cơ quan công an cho biết Quang “Rambo” là đối tượng hình sự cộm cán, quy tụ nhiều đàn em các tỉnh (Thanh Hóa, Hưng Yên...) về Hà Nội hoạt động cho vay và nhận cáp đòi nợ thuê.
Nhờ mạng xã hội, Quang Rambo trở nên nổi tiếng hơn, và được nhờ cậy đi đòi nợ thuê ngoài đời thực, và “xộ khám”.
Mời quý vị xem video: Bắt Quang "Rambo" và đồng bọn 
 
Có thể thấy, những hiện tượng lệch chuẩn theo kiểu giang hồ đã tồn tại và có những ảnh hưởng nhất định ngoài đời thực. Sau đó, do sự phát triển của mạng xã hội, từ giang hồ ngoài đời bắt đầu sinh ra “hình thái” giang hồ trên mạng xã hội. Những người này quảng bá hình ảnh nhằm nhiều mục đích tạo ra sự ảnh hưởng đối với một bộ phận còn thiếu bản lĩnh.
Dù như thế nào chăng nữa, đây là một thực trạng đáng báo động. 
Có thể thấy, lượng người theo dõi, thậm chí là thần tượng những giang hồ kiểu này, đa phần là giới trẻ. Điều rõ ràng, chúng ta không thể cấm con em mình ngừng hâm mộ những giang hồ như vậy, song điều quan trọng nhất là làm thế nào để các bạn trẻ nhận thức được trào lưu nào là tốt, xấu. Cũng như, không để con trẻ đơn độc trong thế giới mạng để có sự điều chỉnh kịp thời.
Trong chúng ta, có ai đã từng chỉ ra cụ thể cho các em vì sao hiện tượng "giang hồ mạng" là không phù hợp cho các em? - Nhà trường hay phụ huynh?
Về lâu về dài chúng ta phải cung cấp các chuẩn mực cho các cá nhân cách hiệu quả nhất. Trong tất cả điều đấy thì gia đình là yếu tố quan trọng nhất, khi chúng ta củng cố được nó, các giá trị của gia đình phần nào đó sẽ làm tốt những việc này.
Nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình thì cho rằng, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với đơn vị, cá nhân cố tình đưa thông tin tác động xấu đến giới trẻ lên mạng nhằm ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu độc hại ngay từ đầu, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Và dù như thế nào, chúng ta đều thấy rằng, cùng với đó, luật sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo sự thay đổi của xã hội cho phù hợp với thực tiễn và xử lý được đầy đủ, toàn diện các vi phạm.
Minh Hải

>> xem thêm

Bình luận(0)