Ngày 24/6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 trên diện rộng.
Để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy trình tiêm chủng. Đến nay, qua 3 đợt tiêm chủng, Quảng Ninh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 27.962 đối tượng, trong đó có 27.060 người tiêm mũi 1 và 632 người tiêm 2 mũi, đảm bảo an toàn và không có trường hợp nào tử vong do tiêm chủng.
|
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh. |
Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép 4 loại vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 gồm Astra Zeneca, Sputnik V, Pfizer Biotec và Vero-Cell.
Trong đó, vắc xin Vero Cell được Tổ chức Y tế Thế giới WHO xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và được Chương trình Covax mua để giúp các nước tiếp cận công bằng với vắc xin. Hiện có 70 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng vắc xin này. Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, hiệu lực miễn dịch vắc xin này đạt 79,3%, đứng thứ 4 trong tất cả các loại vắc xin hiện nay.
Từ các nguồn vắc xin hợp pháp được Chính phủ Việt Nam nhập về cấp phép lưu hành, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chủ động tiếp cận với tất cả các nguồn vắc xin, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo có sớm nhất, nhiều nhất, tiêm nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất cho người dân với lộ trình cụ thể, phù hợp.
Sở Y tế Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin với phương án, quy trình tối ưu nhất. Toàn tỉnh đã có trên 1.400 cán bộ tiêm chủng được đào tạo lại về tiêm chủng vắc xin COVID-19; 96 tổ cấp cứu với gần 300 y, bác sĩ sẵn sàng tham gia công tác tiêm chủng. Ngoài ra, trong điều kiện cần thiết có thể huy động thêm để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong 1,5 năm qua của tỉnh Quảng Ninh rất đúng hướng, với sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là lực lượng tuyến đầu.
Kiên trì thực hiện thành công phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở đã giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, để giữ vững địa bàn “An toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới” một cách chủ động, hiệu quả thì việc thực hiện chiến lược tiêm phòng vắc xin là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính dài hạn và quyết định.
Cùng với đó, phải tuân thủ nghiêm quy định “5K+truyền thông+công nghệ” cùng các giải pháp phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất BCĐ sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên diện rộng, quy mô lớn, đảm bảo an toàn cho nhân dân Quảng Ninh.
Trong đó, sẽ tập trung xây dựng phương án, kịch bản, quy trình từ tiếp nhận, bảo quản, tiêm tới xử lý những tình huống nảy sinh sau tiêm theo thực tiễn của Quảng Ninh để phấn đấu hết năm 2021 đạt mục tiêu miễn dịch toàn dân.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, quan điểm là phải lấy người dân là trung tâm; cấp xã, phường là trung tâm trong việc rà soát dữ liệu về đặc điểm dân cư, nhu cầu tiêm chủng; ngành Y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn, chịu trách nhiệm toàn diện; truyền thông phải được coi trọng và đặc biệt vai trò của xã, của huyện trong việc chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức tiêm chủng trên diện rộng với quy mô lớn.
Ông Ký cho rằng, quá trình triển khai đảm bảo công khai, minh bạch mọi thông tin về việc mua, tiếp nhận, tài trợ vắc xin, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng, tiến hành tiêm chủng... Ngành Y tế phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, xã, phường, thị trấn để sớm có danh sách, nhu cầu cần tiêm gắn với năng lực y tế tại chỗ. Tận dụng tối đa năng lực y tế tuyến huyện và các bệnh viện để tổ chức tiêm chủng cho nhân dân. Huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các lực lượng.
Đồng thời yêu cầu phải dựa vào dữ liệu dân cư, căn cước công dân đã được cấp, dữ liệu khai báo sức khỏe toàn dân và dữ liệu hồ sơ điện tử toàn dân của tỉnh để trong tháng 6/2021 hoàn thành việc xây dựng dữ liệu tiêm chủng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam ủng hộ quỹ vắc xin phòng COVID-19 300 triệu đồng: