Quảng Ninh: Sẽ cấm biển vào sáng 16/9
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão Mangkhut, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – ông Đặng Huy Hậu cho biết, Quảng Ninh xác định là một trong những tỉnh trọng điểm bị ảnh hưởng bởi siêu bão Mangkhut nên tỉnh quyết tâm hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động nắm chắc tình hình để sẵn sàng di chuyển người dân tại điểm xung yếu, có nguy cơ cao như các bãi thải, tuyến giao thông, khu dân cư về nơi tránh trú bão an toàn.
|
Thời điểm siêu bão Haiyan ảnh hưởng đến Quảng Ninh. Ảnh: Danviet. |
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh chủ động chỉ đạo, xây dựng phương án phòng, chống siêu bão, đảm bảo trực 24/24h, duy trì phương án 4 tại chỗ, huy động các lực lượng, phương tiện vũ trang đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền trên biển.
Đối với các bãi thải ngành Than tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương phải có phương án cảnh báo tại khu vực hạ lưu.
Đồng thời xem xét phương án cho học sinh nghỉ học nếu xảy ra mưa to trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, sở, ngành phải đảm bảo trực 24/24h; làm tốt công tác truyền thông nhằm thông tin chính xác, kịp thời về siêu bão Mangkhut tới người dân để chủ động phương án phòng, chống bão.
Ngay chiều 14/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh nhằm chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut.
Ông Đặng Huy Hậu yêu cầu trước 17 giờ ngày 16/9, các hộ dân sinh sống trên các lồng bè phải di dời lên bờ để đảm bảo an toàn. Không cấp phép cho tàu ra đảo từ 17 giờ ngày 14/9 mà chỉ cấp phép cho tàu từ đảo vào đất liền; tiến hành cấm tàu ra Vịnh từ 10 giờ ngày 16/9.
“Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24h, đảm bảo phương án 4 tại chỗ; huy động các lực lượng thanh niên, dân quân tham gia phòng, chống bão; có kịch bản về phương án di dân tại chỗ và di dân khẩn cấp trước 17 giờ ngày 16/9”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu.
Cũng trong chiều 14/9, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND về chủ động các biện pháp phòng chống siêu bão Mangkhut.
Hải Phòng: Sẵn sàng phương án di chuyển 17.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Cũng tại Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão Mangkhut, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng – ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, đến nay công tác chuẩn bị các điều kiện nhân lực, vật tư, trang thiết bị ứng phó với siêu bão Mangkhut được địa phương chủ động triển khai tới các sở, ngành, địa phương.
Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, chỉ đạo công tác phòng, chống bão; UBND thành phố đã duyệt các kịch bản chống bão cụ thể.
Theo đó, từ ngày 13/9, các địa phương di chuyển hơn 100 khách du lịch về nơii an toàn, phối hợp kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn.
Thành phố cũng sẵn sàng phương án di chuyển 17.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; phương án bảo vệ 34.000 ha lúa, hệ thống đê điều, cầu cống, công trình hạ tầng, công cộng.
Thành phố chỉ đạo các địa phương thực hiện cấm biển, cấm xe máy di chuyển trên một số cầu có tĩnh không cao như cầu Tân Vũ Lạch huyện, cầu Bính.
Chiều 14/9, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng – ông Nguyễn Văn Tùng chủ trì họp nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo công tác chuẩn bị phòng chống bão Mangkhut.
Ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất thời gian cấm biển, thời gian cấm xe máy lưu thông trên các cầu có độ tĩnh không cao.
Sở Công thương chủ động kiểm tra các đơn vị chuẩn bị các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết; giao Sở Xây dựng chuẩn bị các phương tiện thoát nước cho thành phố; Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất thời cho học sinh nghỉ học tránh bão.
Chủ tịch UBND thành phố Hải phòng yêu cầu tạm dừng các cuộc họp từ ngày 16-17/9 để tập trung công tác phòng, chống bão. công cộng; thực hiện kiểm tra công tác phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ” tại các xã, các phường.