Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 7 có thể sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh tới Hải Phòng vào chiều mai, mang theo mưa lớn và gió giật cấp 11-12. Để ứng phó với cơn bão mạnh này, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tối đa những thiệt hại nếu bão đổ bộ.
Quảng Ninh dừng mọi cuộc họp, triển khai chỉ đạo chống bão
Tại Quảng Ninh, ngay chiều 17/10, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 7 (bão Sarika). Ông Đọc nhấn mạnh: "Đây là cơn bão có sức gió mạnh, đúng vào thời điểm nước triều cường và đổ bộ vào đêm nên nguy hiểm lớn đến tài sản, tính mạng con người. Quảng Ninh lại là địa phương có nhiều đê điều, vùng trũng, thấp, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn, do vậy, tôi chỉ đạo các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang đặc biệt quan tâm đến hệ thống đê diều trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến hệ thống đê Hà Nam, các tuyến đê tại Vân Đồn, Tiên Yên...".
|
Các tàu vào tránh bão tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh). |
Bí thư Nguyễn Văn Đọc cũng chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi, kêu gọi các phương tiện đánh bắt cá xa bờ nhanh chóng tìm nơi tránh, trú bão; dừng cấp phép các phương tiện ra khơi, vận chuyển khách du lịch tham quan trên Vịnh và ra các tuyến đảo; vận động người dân chằng buộc, gia cố các bè nuôi trồng thủy sản; di dời người dân trông coi tại các lều trại, bè nuôi trồng thủy sản vào bờ; hỗ trợ nhân dân chằng buộc nhà cửa, di dời người dân tránh xa các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá, những khu vực trũng thấp ven biển; đảm bảo an toàn cho lao động tại các khu công nghiệp.
Bí Thư Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo tỉnh sẽ dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai công tác phòng, chống bão.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đây là một cơn bão mạnh và có diễn biến phức tạp, do vậy sau khi UBND tỉnh họp với Chính phủ triển khai công tác phòng, chống, UBND tỉnh đã ban hành Công điện và phân công các lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão tại các địa phương.
Sáu đoàn công tác do các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu đã triển khai về các địa phương gồm Đoàn công tác số 1 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long làm trưởng đoàn và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tại TP Móng Cái. Đoàn công tác số 2 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Đặng Huy Hậu chỉ đạo khu vực các huyện và TP: Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều. Đoàn công tác số 3 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Văn Thành làm trưởng đoàn; chỉ đạo khu vực TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô. Đoàn công tác số 4 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - bà Vũ Thị Thu Thủy làm trưởng đoàn; chỉ đạo tại địa bàn TP Hạ Long. Đoàn công tác số 5 do ông Lê Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng đoàn; chỉ đạo khu vực huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà. Đoàn công tác số 6 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Vũ Văn Diện làm trưởng đoàn, chỉ đạo tại các huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu.
Trong ngày 17/10, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra, củng cố ngay các khu vực bãi thải, hệ thống thoát nước, tuyến đê bao dọc các tầng thải, đập chắn đất đá chân bãi thải, hồ trước đập, mương thoát nước sau đập, phân tách dòng chảy đúng tuyến. Chuẩn bị phương án di chuyển người và phương tiện, thiết bị tại các khu vực nguy hiểm...
Ghi nhận của PV Kiến Thức sáng 18/10, gần 8.000 tàu thuyền đều liên lạc được với địa phương, gia đình và đang di chuyển về khu vực trú bão an toàn. Tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp đưa tất cả lao động tại các đầm nuôi trồng thủy sản và người dân tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn. Các hộ dân tại TP Hạ Long, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái, Vân Đồn đã gia cố, chằng chống lại nhà cửa.
Hải Phòng: Huy động 43.641 người tham gia chống bão
Công tác phòng chống bão tại TP Hải Phòng cũng đang được khẩn trương tiến hành. Ngay trong chiều 17/10, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố chủ trì cuộc họp với các ngành, đơn vị và lực lượng chức năng bàn biện pháp phòng chống cơn bão số 7. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hải Phòng đã có Công điện chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó bão số 7. Theo Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố, đến thời điểm hiện tại đã tổ chức kiểm đếm và thông báo cho 2.740 phương tiện (với 8.069 lao động), 741 lồng bè (với 1231 lao động) về tình hình và diễn biến của cơn bão số 7 để chủ động tránh trú.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện lúa mùa đã chín được 60 - 70% nhưng bà con mới thu hoạch được khoảng 20 đến 30%, do đó các ngành, địa phương và đơn vị liên quan cần khẩn trương huy động tối đa các nguồn lực, khẩn trương hỗ trợ bà con nhân dân thu hoạch diện tích lúa, rau màu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đặc biệt các doanh nghiệp có công nhân là con em vùng nông thôn ưu tiên bố trí cho các công nhân này được nghỉ để về nhà hỗ trợ gặt lúa.
|
UBND TP Hải Phòng tổ chức họp khẩn bàn biện pháp phòng chống bão số 7
|
Ông Tùng yêu cầu trước 17h ngày 18/10 phải đưa toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, con người, lồng bè về nơi tránh trú an toàn; đồng thời cấm biển dừng mọi hoạt động đường thủy, phà biển, vui chơi ven biển. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng chỉ đạo dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão, lưu ý Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học vào ngày 19/10.
Theo thống kê, Hải Phòng dự kiến sẽ huy động 43.641 người tham gia lực lượng xung kích hộ đê; huy động 1.048 xe ô tô các loại, 532 tàu xuồng, 23 xà lan, 54 máy phát điện, 210 phao bè, 923.165 chiếc bao tải cát, lương thực, thuốc men, lều bạt… chủ động sẵn sàng ứng phó bão số 7.
Ghi nhận của PV Kiến Thức tại đảo Bạch Long Vỹ, toàn bộ thuyền nan đã được đưa lên bờ tránh bão, nhiều phương tiện đã về đất liền tránh bão.
Thái Bình: Khẩn trương thu hoạch lúa mùa
Tại tỉnh Thái Bình, công tác chuẩn bị ứng phó với cơn báo cũng đã cơ bản hoàn thành. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo: “Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền, yêu cầu các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa mùa đã chín đạt trên 60%”.
Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đến chiều 17/10, các địa phương đã hoàn tất việc đưa tàu thuyền, người dân còn đang hoạt động trên sông, trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Bố trí lực lượng, hướng dẫn người dân sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền nơi neo đậu. Chủ động di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê vào trong đê chính, không để bất cứ người nào ngoài đê chính truớc khi bão đổ bộ vào đất liền. Mở các cống tiêu thoát nước, trục vớt bèo bồng, khơi thông dòng chảy, kịp thời thoát nước đề phòng mưa lớn xảy ra...
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình cần chủ động bảo vệ các công trình trọng điểm như: đê, kè, cống xung yếu; chằng chống, bảo vệ nhà cửa, các công trình nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư để ứng phó kịp thời khi cần thiết. Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra khi có yêu cầu…
Ghi nhận của PV Kiến Thức tại huyện Tiền Hải, hiện cơ bản hoàn thành công tác kêu gọi toàn bộ tàu thuyền và người lao động khẩn trương về nơi trú ẩn. Hơn 200 máy gặt được huy động để thu hoạch lúa chín. Tại huyện Kiến Xương, bà con cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Tính đến thời điểm này toàn huyện mới thu hoạch xong khoảng trên 2.280 ha (chiếm 20% diện tích) /11.420 ha diện tích lúa.
Nam Định: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão
Để phòng chống bão số 7, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành... hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung triển khai phòng chống bão từ ngày 18/10. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh bám sát địa bàn được phân công để phối hợp với lãnh đạo các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão. Khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh bão; hướng dẫn sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu thuyền đã về bờ. Từ 19h ngày 17/10 nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm soát chặt chẽ số ngư dân, người sản xuất trên biển, yêu cầu tất cả tàu thuyền, người canh coi vây vạng vào bờ trước 17h ngày 18/10.
Các địa phương, nhất là thành phố Nam Định và các huyện ven biển triển khai phương án di dời người và tài sản ra khỏi những nhà nguy hiểm, khu nhà không đảm bảo an toàn; phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển, ngoài đê, người ở trong đê tại các điểm xung yếu, du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn; kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, người trên tàu thuyền đánh cá. Chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thông báo tình hình diễn biến của bão đến mọi người dân thông qua hệ thông thông tin đại chúng và hệ thông truyền thanh của các địa phương; hướng dẫn các cơ quan và nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, kiểm tra chặt chẽ, có giải pháp đảm bảo an toàn các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, truyền hình, biển hiệu quảng cáo, chặt tỉa cành cây,..; chủ động thực hiện phương án phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ. Chủ động tiêu rút nước đệm đảm bảo mực nước khống chế theo phương án được duyệt; sẵn sàng phương tiện, nhân lực chống úng bảo vệ lúa mùa và rau màu vụ đông. Kiểm tra rà soát các công trình, nhà cửa, đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển để có biện pháp đảm bảo an toàn; phát hiện và xử lý ngay những sự cố hư hỏng trên tuyến đê sông, đê biển. Chỉ đạo ban quản lý dự án và nhà thầu đang thi công các công trình có liên quan đến tiêu thoát nước phục vụ phòng chống úng phải khẩn trương hoàn thành và thanh thải phế thải, đập tạm,... để chủ động chống úng. Các công trình trên tuyến đê biển, chủ động phương án đảm bảo an toàn người, vật tư, thiết bị, tài sản, an toàn công trình theo phương châm 4 tại chỗ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh trực đảm bảo 100% quân số săn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Hải Dương: Đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống do bão số 7 có thể gây ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để chủ động phòng, tránh. Sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa, bão theo kế hoạch. Hướng dẫn nhân dân tập trung thu hoạch nhanh lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bảo vệ cây trồng vụ đông mới trồng và cây ăn quả; các khu vực nuôi trồng thuỷ sản; phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông, các công trình, nhà cửa ...xung yếu. Kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, hồ đập đặc biệt là các trọng điểm chống lụt bão, các công trình đang thi công, các vị trí xung yếu để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời đảm bảo yêu cầu phòng chống mưa, bão. Triển khai phương án phòng chống úng, ưu tiên cho diện tích lúa, rau màu, đặc biệt ở các vùng trũng và các khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung, thành phố Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng nội đô. Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho hồ đập, khu vực khai thác mỏ trên địa bàn. Tổ chức việc thường trực, trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định...
Chiều ngày 17/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Nguyễn An Cương đi kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa mùa và công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 tại một số địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 45.500 ha lúa mùa, gieo trồng được 12.000 ha cây vụ đông. Trước những diễn biến phực tạp của bão số 7, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân nhanh chóng thu hoạch 11.000 ha lúa trà mùa sớm, mùa trung còn lại và diện tích rau màu vụ đông sớm đã đến kỳ thu hoạch; tạm dừng gieo trồng cây vụ đông; Khơi thông dòng chảy tại những khu vực mới trồng cây vụ đông. Dự phòng giống cây vụ đông để kịp thời khôi phục sản xuất khi có thiệt hại do bão.
Ông Nguyễn Anh Cương yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", chủ động bơm tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập, giảm thiểu thiệt hại cho diện tích lúa mùa chưa thu hoạch và diện tích cây màu vụ đông đã trồng. Vùng nuôi thủy sản phải đăng chắn cẩn thận, không để nước tràn bờ. Gia cố chắc chắn lồng nuôi cá trên sông đề phòng lũ dâng cao.
“Đây là cơn bão được dự báo có sức gió rất mạnh, do đó các địa phương cần có phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản nhất là tại các công trình xây dựng đang triển khai”, PCT UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương nhấn mạnh.