Quảng Ninh: Công ty gốm Giếng Đáy gây sạt lở, TP Hạ Long di dời dân

Google News

UBND TP Hạ Long yêu cầu di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở do Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh khai thác sét.

Ngày 28/4/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 2636 về việc chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của ông Nguyễn Văn Tam và 36 hộ dân tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long đến Chủ tịch UBND TP. Hạ Long. Đồng thời, yêu cầu báo cáo kết quả giải quyết nội dung đơn thư với Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 5/2023.
Nội dung văn bản nêu rõ: “Chủ tịch UBND tỉnh nhận được 5 đơn (đơn tập thể của 36 hộ dân tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long có danh sách và chữ ký kèm theo) khiếu nại, kiến nghị với nội dung: Yêu cầu thu hồi, hủy bỏ văn bản số 957/UBND ngày 20/2/2023 của UBND thành phố Hạ Long về việc triển khai xây dựng phương án di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở tại tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy”.
Quang Ninh: Cong ty gom Gieng Day gay sat lo, TP Ha Long di doi dan
Những ngôi nhà bị nứt toác, nghiêng ngả trên đồi Tên Lửa, nằm sát ngay mỏ sét của Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Tam và 36 hộ dân cho rằng, "Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh (gọi tắt là Công ty Gốm) trong quá trình khai thác sét không hoàn nguyên đất theo quy trình kỹ thuật, làm sạt lở, sụt lún đất và gây hỏng, nứt nhà."
Mặc dù các hộ dân đã họp tại UBND phường Giếng Đáy và có kiến nghị trực tiếp lẫn đơn thư đến chính quyền các cấp, Công ty Gốm cũng đã vào cuộc nhưng mới khắc phục được một phần, chưa hoàn nguyên triệt để. Do đó, các hộ dân đề nghị Công ty Gốm phải hoàn nguyên trước mùa mưa bão năm 2023.
“Chúng tôi không đồng ý với kết quả quan trắc của Viện Địa kỹ thuật và Công trình (đơn vị do Công ty Gốm thuê). Sạt lở là do tác động của con người gây ra chứ không phải do thiên tai. Nguyên nhân là do Công ty Gốm khai thác đất sét gây sạt lở”, nội dung đơn của các hộ dân nhấn mạnh.
Theo ông Tam, 14 hộ dân khu A đã di dời, nhưng Công ty Gốm chưa có trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại về tài sản nhà cửa và hỗ trợ tiền ăn ở, thuê nhà trong 6 tháng tiếp theo trong thời gian khắc phục hậu quả.
Riêng khu A mới, B, C của 41 hộ dân buộc phải di dời theo chỉ đạo của UBDN TP. Hạ Long, ông Tam bức xúc: “Việc xác định 41 hộ dân nằm trong diện “hiệu ứng dây chuyền” buộc phải di dời là không đúng hiện trạng khi những khu đất này không rơi vào quy hoạch dự án và không có tình trạng nứt đổ, hư hỏng.
36 hộ dân cũng phủ nhận nội dung trong thông báo số 847-TB/TU ngày 17/3/2023 của thành ủy Hạ Long: “Tại buổi đối thoại, đồng chí bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND thành phố và các thành viên hội đồng tiếp công dân thành phố đã giải thích, trả lời để các hộ dân hiểu, đồng thuận với chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 957/UBND ngày 20/2/2023 là nhằm thực hiện chủ trương của thường trực thành ủy tại thông báo số 817-TB/TU ngày 17/2/2013 về việc khắc phục sự cố sạt lở tổ 6, khu 3B phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long...”.
Theo các hộ dân, thực tế, những người có mặt tại buổi tiếp công dân ngày 15/3/2023 không ai đồng thuận với nội dung kết luận trên mà vẫn duy trì kiến nghị chính quyền và doanh nghiệp lấp moong khai thác đất sét, xây kè chống sạt lở để bà con sinh sống ổn định.
Trong đơn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tam và 36 hộ dân không đồng ý di dời theo yêu cầu của UBND TP. Hạ Long và đề nghị cho người dân được phép tự thuê đơn vị đánh giá địa chất độc lập về tình trạng sạt lở vì các hộ dân nghi ngờ cơ quan đánh giá mà Công ty Gốm thuê không khách quan, chính xác.
“Công ty Gốm khai thác sét không hoàn nguyên đất kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy. Đề nghị các cơ quan, ban ngành chức năng vào cuộc, yêu cầu Công ty Gốm phải khắc phục dứt điểm trước mùa mưa bão, trả lại hiện trạng ban đầu”, nội dung đơn của các hộ dân kiến nghị.
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, thời gian qua, tại khu vực đồi Tên Lửa (tổ 6, khu 3B phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) xảy ra sự cố làm sạt lở công trình nhà, đất của gần 20 hộ dân và đường giao thông. Để đảm bảo an toàn, các hộ dân đã phải di dời người và tài sản đến nơi ở tạm. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Cụ thể, thời điểm đầu tháng 12/2021, tại khu vực moong khai thác sét của Công ty Gốm đã có dấu hiệu sạt lở, ảnh hưởng đến các hộ dân liền kề tại khu vực và diễn biến sạt lở tiếp tục tăng dần vào đợt mưa bão tháng 8/2022.
Cuối tháng 8/2022, TP Hạ Long đã yêu cầu UBND phường Giếng Đáy tiến hành di chuyển toàn bộ người và tài sản ra khỏi vị trí công trình có nguy cơ bị sạt lở và Công ty Gốm chi trả tiền thuê nhà, hỗ trợ di chuyển cho các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng đến nơi ở an toàn.
UBND TP Hạ Long cũng đã yêu cầu Công ty Gốm chủ động thực hiện các nội dung: Có biện pháp gia cố, khắc phục tuyến đường dân sinh, sạt lở đất tại khu vực gần mỏ khai thác sét của công ty, đảm bảo an toàn cho các công trình của hộ dân liền kề; phối hợp với các phòng, ban, đơn vị của thành phố trong kiểm định, đánh giá nguyên nhân sạt lở và thực hiện các biện pháp khắc phục; có trách nhiệm thuê đơn vị tư vấn độc lập, có chức năng kiểm định để đánh giá mức độ sạt lở, nguyên nhân gây sạt lở đất và nứt công trình của các hộ dân; khảo sát hiện trạng địa hình khu vực, trong đó có ghép ranh giới giao khai thác tài nguyên và sơ đồ địa chính các thửa đất của hộ dân tại khu vực.
Theo báo cáo của Công ty Gốm, tháng 9/2022, đơn vị thuê đơn vị tư vấn là Viện Địa kỹ thuật và Công trình để triển khai thực hiện đánh giá mức độ, nguyên nhân gây sạt lở.
Tháng 12/2022, Công ty đã có báo cáo gửi UBND thành phố đánh giá sự cố sạt lở và hồ sơ thẩm tra khu vực.
Dựa trên dữ liệu khảo sát hiện trạng địa hình khu vực và báo cáo của đơn vị tư vấn kiểm định, thẩm tra đã phân tích rõ các nguyên nhân dẫn đến sự cố sạt lở mái dốc tại khu vực nói trên. Nguyên nhân chính dẫn đến 16 hộ dân bị sạt lở tại khu vực là do hoạt động khai thác đất (sét) của Công ty Gốm. Còn hoạt động thi công tuyến đường từ ngã ba Kênh Đồng đến điểm đầu cầu Tình Yêu và diễn biến xấu của thời tiết cũng là một nguyên nhân nhưng mức độ tác động không đáng kể.
Dựa trên ranh giới khu vực dự báo nguy cơ sạt lở tại hồ sơ báo cáo đánh giá của đơn vị tư vấn, UBND TP Hạ Long đã xác định ngoài 16 hộ dân đã di dời thì sơ bộ có thêm 21 hộ dân và một phần diện tích Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt nằm trong vùng di dời và có nguy cơ mất ổn định theo “hiệu ứng dây chuyền”. Qua đó, đã khai toán kinh phí thực hiện GPMB để di dời với khoảng 58 tỷ đồng. Trong đó, phần diện tích Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt được dự báo nằm trong vùng ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng sạt lở tại khu vực diễn biến theo hướng xấu, thì các công trình trường học nằm trong phần diện tích này cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.
Sau khi xác định được rõ nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, UBND thành phố yêu cầu các phòng, ban chức năng của thành phố thực hiện công tác GPMB và di dời các hộ dân nằm trong vùng dự báo nguy cơ sạt lở xong trước tháng 4/2023; tham mưu xây dựng giá đất, thông báo thu hồi đất, bố trí quỹ đất để phục vụ tái định cư cho các hộ thuộc diện phải di dời; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu công viên công cộng tại quỹ đất moong khai thác sét của Công ty Gốm và khu vực bị ảnh hưởng sạt lở đảm bảo khớp nối về không gian, kiến trúc trên cơ sở phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố. UBND phường Giếng Đáy tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an sinh xã hội cho các hộ dân tại khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian chưa hoàn tất công tác di dời, tái định cư cho các hộ dân tại khu vực.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xót xa bờ biển Hội An sạt lở, đe dọa “nuốt chứng” loạt resort:
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)