Mới đây, tại Quảng Bình đã xảy ra vụ sạt lở hầm đường sắt Bắc - Nam. Hầm gặp sự cố sạt lở là hầm số 2, thuộc cung cầu hầm Lạc Sơn, thuộc địa phận huyện Tuyên Hóa.
Hầm đường sắt này đã cũ và đang trong quá trình thi công gia cố hầm yếu. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa, ngấm nước, gây sạt lở.
|
Hầm số 2 thuộc cung Lạc Sơn, nơi xảy ra sạt lở đất đá khiến nhiều đoàn tàu ách tắc (Ảnh: Tiến Thành). |
Thời điểm xảy ra sự việc, khoảng 4,6m3 đất, đá từ nóc hầm đổ xuống đường ray, rất may lúc đó không có đoàn tàu nào chạy qua.
Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng đã làm hỏng một bộ khung chống tạm và khiến 5 tàu chở khách, 3 tàu hàng bị ách tắc nhiều giờ liền.
|
Các hầm đường sắt tại Quảng Bình đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã trăm năm tuổi (Ảnh: Tiến Thành). |
Ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Bình cho hay, địa phương này có hơn 175km đường sắt chạy qua, trong đó có 5 hầm đường sắt với tổng chiều dài 684m. Những hầm này đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã trăm năm tuổi; do vậy không thể tránh khỏi tình trạng xuống cấp, thấm dột, ảnh hưởng đến việc khai thác chạy tàu.
Vỏ hầm đường sắt trên địa bàn chủ yếu là đá tự nhiên và một số vị trí vòm bê tông. Qua thời gian, vỏ hầm đã hư hỏng, khi trời mưa bị nước ngầm chảy thấm xuống đường sắt, kiến trúc tầng trên trong hầm chủ yếu là tà-vẹt gỗ, thép ray tàu P43; cửa hầm có các đường cong bán kính nhỏ.
|
Hầm đường sắt được gia cố (Ảnh: Tiến Thành). |
Riêng về hầm số 2, cung cầu hầm Lạc Sơn, nơi mới xảy ra sự cố sạt lở là một trong 3 hầm đường sắt tại Quảng Bình đang được triển khai thi công gia cố, duy tu, sửa chữa theo dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
"Các hầm đường sắt tại Quảng Bình đều có từ rất lâu rồi. Những năm qua, chúng tôi thường xuyên đề xuất để gia cố các hầm. Trong đó đã triển khai xử lý đá lăn, đá rơi bằng cách chẻ đá, phun vữa xi măng gia cố mái ta-luy và các tảng đá lớn nằm chênh vênh; gia cố khu vực hầm có nhiều tảng đá lớn có nguy cơ rơi xuống đường sắt. Đơn vị thường xuyên theo dõi, duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn tàu lưu thông", ông Sơn nói.
|
Đường sắt tại Quảng Bình đi qua những triền dốc, vùng đồi núi cao, nhiều đoạn một bên núi cao một bên sông sâu (Ảnh: Tiến Thành). |
Đường sắt tại Quảng Bình đi qua những triền dốc, vùng đồi núi cao, nhiều đoạn một bên núi cao một bên sông sâu, vùng trũng thấp, do đó về mùa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở mái ta-luy, đất đá trôi xuống lấp nền đường. Những đoạn đường sắt chạy dọc theo bờ sông, các điểm thoát lũ chậm thường bị ngập trên đỉnh ray và làm phá hỏng nền đường, cầu cống.
Bên cạnh đó, các tảng đá từ trên núi có nguy cơ rơi vào đường sắt, uy hiếp đến an toàn chạy tàu.
|
Đá từ đỉnh núi rơi trúng đường sắt đoạn gần ga Lạc Sơn, Quảng Bình năm 2018 (Ảnh: Tiến Thành). |
Với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa mưa bão, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu, phía Công ty CP Đường sắt Quảng Bình đã xây dựng phương án ứng phó.
Ngoài kiểm tra các điểm xung yếu, đơn vị này còn theo dõi trạng thái các hầm, dán tem theo dõi các vết nứt vỏ hầm; khai thông mương rãnh trong và trên đỉnh hầm đường sắt; đánh dấu các cụm đá nằm chênh vênh trên sườn dốc hai đầu hầm;...
|
Trận lũ lịch sử năm 2020 làm hư hỏng cầu đường sắt tại Quảng Bình (Ảnh: Công ty CP Đường sắt Quảng Bình).
|