6 hộ gia đình bị chôn vùi khi đang ngủ
Tối muộn 12/10, bất chấp trời vẫn mưa rả rích, hàng trăm chiến sỹ công an, bộ đội, dân quân tự vệ… khuôn mặt mệt mỏi, quần áo, đầu tóc, chân tay lấm lem bùn đất, ướt nhoèn, nhưng vẫn tập trung hết sức cho công việc tìm kiếm 12 nạn nhân xấu số ở bản Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình còn nằm đâu đó trong đống sạt lở, mất tích.
|
Người thân ngóng trông 18 nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đất khổng lồ tại Hòa Bình - Ảnh: Lê Hiếu |
Bên bờ ruộng hướng mắt về khu vực tìm kiếm đã được rào chắn, chị Đinh Thị Nghiêm (SN 1993) nắm chặt cây cỏ dại, liên tục gào khóc. 3h sáng nay, vợ chồng chị nhận tin từ cô em họ ở bản Khanh báo bị sạt lở, nên tất tả tìm đường về bản. Đến nơi, thấy khu ở của gia đình không còn, chị cào bới đất đá tìm bố, mẹ, anh trai và em trai. Hiện, em trai chị là Đinh Công Ngoan (SN 1996) đã tìm thấy thi thể, còn bố Đinh Công Hưn (SN 1974), mẹ Đinh Thị Đằng (SN 1973), em trai Đinh Công Nghĩa (SN 1992) vẫn mất tích. “Thằng Nghĩa làm thợ xây, ngoan lắm, sang năm định cưới vợ. Thằng Ngoan đang học điện tử ở Hà Nội, nó bị sốt cao nên xin về quê mấy ngày, nó mới về chiều qua mà…”, chị Nghiêm khóc ngất.
Trong căn nhà sàn ọp ẹp, chị Đinh Thị Xuân (SN 1977) đang mặc chiếc áo tang cho 3 đứa con để chuẩn bị tổ chức tang lễ cho chồng là anh Đinh Công Sinh (SN 1976, là Phó hội Nông dân bản Khanh) đã được tìm thấy trong đống đất đá sáng 12/10. “Trước khi xảy ra sạt lở, anh Sinh cùng anh Nguyễn Văn Hức (SN 1977, Trưởng bản Khanh và cũng là họ hàng) sang bên khu nhà dưới chân thác dọn đồ cho một số nhà chuẩn bị di dời do mưa lớn. Lúc anh đi, tôi có ngăn anh vì sợ mưa gió, nhưng anh bảo phải đi giúp mọi người. Anh đi được một lúc thì tôi và con gái nghe thấy tiếng nổ rầm vang trời, nhìn ra thấy một tảng đồi lớn sạt xuống, chôn vùi một khóm nhà. Tôi dắt các con tháo chạy, rồi gọi điện cho chồng nhưng không được…”, chị Xuân khóc.
|
Các chiến sỹ Cảnh sát PCCC tỉnh Hòa Bình - một trong những lực lượng tham gia tìm kiếm các nạn nhân tại bản Khanh tranh thủ chợp mắt buổi trưa để tiếp tục nhiệm vụ kéo dài cả ngày. |
Tang tóc bao trùm
Trưa 12/10, TX Nghĩa Lộ, Yên Bái đã ngưng mưa, nhưng nỗi đau, sự bàng hoàng vẫn hiện hữu trên khuôn mặt người dân. Ông Ngô Văn Châu (trú tại tổ 6, phường Cầu Thia, TX Nghĩa Lộ) kể, thời điểm cầu Thia sập, ông cùng vợ và hàng xóm đang đứng sau bờ kè suối Ngòi Thia phía sau nhà. “Lũ lớn lắm, cuốn theo những bó rơm và cây cối. Rồi bỗng “rầm” một cái, cây cầu Thia bất ngờ sập ngay trước mắt, lúc đó trên cầu có 4, 5 người đang di chuyển bị rơi thẳng xuống dòng nước lũ, người dân vớt củi phía hạ lưu quăng lưới cứu nhưng không được”.
93 người chết và mất tích
Tính tới tối 12/10, thông tin từ Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết, số liệu cập nhật chưa đầy đủ từ các địa phương cho thấy, trận mưa lũ đã khiến 93 người chết và mất tích, 31 người bị thương. Hai địa phương thiệt hại về người nhiều nhất là Hòa Bình (17 người chết, 15 người mất tích); Yên Bái (16 người chết, 6 người mất tích).
Chiều 12/10, trước ngôi nhà của chị Hà Thị Yến (trú tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn) ngay gần đầu cầu Thia, người thân và hàng xóm đang làm lễ cúng cầu nguyện cho chị và con gái Hoàng Minh Anh (3 tuổi) bị mất tích do rơi xuống khi cầu Thia sập. Ông Hà Kim Bình, bố chị Yến nghẹn ngào kể, chị Yến là giáo viên trường mầm non Lương Thành, chồng là kiểm lâm đang đi học trên TP Yên Bái. Ngày 11/10, bé Minh Anh được nghỉ học, không có người trông nên chị Yến đưa con cùng đến trường. Trời mưa to khiến trường bị ngập, bùn lầy bẩn nên trưa đó, chị Yến đưa con về nhà nhờ người trông giúp để quay lại trường dọn vệ sinh. Đến chiều, không thấy chị Yến trở lại, cô Hiệu trưởng gọi điện thoại cho chị Yến không được thì gọi cho gia đình đi tìm.
“Lúc này, cầu Thia cạnh nhà con gái tôi đã bị sập, gia đình tìm khắp nơi không thấy con, cháu thì xuống cây xăng gần cầu Thia xin xem nhờ camera, phát hiện con gái tôi chở cháu đi qua đó lúc 11h57. 12h thì cầu Thia sập, có lẽ mẹ con nó bị rơi xuống sông rồi”, ông Bình bật khóc.
Chiều 12/10, tại Km 21+600 Tỉnh lộ 174 bị đứt đường gây chia cắt, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn bị cô lập. Chị Lò Thị Hương, thôn 2, xã Hát Lừu, Trạm Tấu tay bồng cháu nhỏ cho hay, chị lấy chồng ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. Ngày 10/10, chị bế con ra TX Nghĩa Lộ thăm bố mẹ đẻ ốm, rồi lũ quét đứt đường nên không về được nhà nữa. “Trên đó, tôi còn bố mẹ chồng đã 80 tuổi, chồng và con trai 5 tuổi. Anh em họ hàng trên đó người mất nhà, người bị lũ cuốn trôi rồi”, chị Hương khóc, kể gia đình nạn nhân Lò Văn Lâm (SN 1951, trú tại xã Hát Lừu) với gia đình chị là anh em họ hàng với nhau. “Vợ chồng chú ấy và gia đình con trai cùng cháu nội bị lũ cuốn trôi mất tích sáng 11/10. Hiện, mới tìm được chú Lâm và người con dâu. Gia đình làm nông nghiệp, mới dựng nhà được hơn 1 năm, vẫn chưa trả xong tiền vật liệu thì chuyện đau lòng xảy đến”, chị Hương cho biết.
Tại Thanh Hóa, ngày 12/10, mực nước trên các sông như sông Bưởi, sông Chu, Sông Mã đang dâng cao đạt mức báo động III, đặc biệt là sông Mã dâng cao tương đương lũ lịch sử năm 1980 và 2007. Trong 3 ngày qua, mưa lũ đã làm chết 8 người, trong đó thương tâm nhất là trường hợp anh Vi Văn Chiến (SN 1989, ở thôn Chiềng, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân) cùng con gái 2 tuổi tử vong do sạt lở đất. Hiện, còn có 4 người mất tích chưa được tìm thấy, trong đó có 2 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương.