Chuyện quan chức Việt mời chuyên gia Nhật chai rượu cả nghìn đô la, có người chỉ thẳng đó là tiền chùa, tiền dự án. Cũng có người lại nói, “quan” vay và dân phải trả nên mới có chuyện ăn tiêu hoang phí như vậy.
Cũng tỏ ra bức xúc trước cách ăn tiêu vô lối của một nhóm người Việt, nhất là trong bối cảnh Việt Nam còn quá nghèo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Lung xót xa: “Tiền người ta giúp mình để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng thì lại mang đi tiệc tùng, thết đãi, ai mà chịu được. Ông hỏi thẳng: “Cứ ăn tiêu như vậy, ai còn muốn giúp mình nữa?”.
|
Ảnh minh họa. |
“Vậy ai là người có thể tiêu và được tiêu số tiền như vậy?”, ông hỏi tiếp tự trả lời: “Đa số là quan chức, các nhà hoạt động kinh tế. Nông dân không có tiền để ăn tiêu như vậy. Cán bộ bình thường lương dăm ba triệu cũng không thể ăn tiêu như vậy được”.
Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực nghiên cứu lâm nghiệp, ông cho biết không lạ với những bữa tiệc thết đãi kiểu như vậy.
“Khi tôi còn là chuyên gia nghiên cứu khoa học bình thường, hẹn được lịch làm việc với địa phương phải xếp lịch, phải hẹn ngày, rồi phải tới tận nơi chưa chắc đã được tiếp. Tuy nhiên, khi tôi chuyển sang làm công tác quản lý, tôi có trong tay dự án này, dự án nọ thì không cần hẹn lịch họ vẫn ra tận sân bay đón, rước”, ông kể.
Ông cho biết, sự nhiệt tình của địa phương là đáng ghi nhận. Song sự nhiệt tình đó không biết vì tình cảm hay vì họ muốn nhòm ngó tới một dự án khác nằm trong quỹ đất 5 triệu héc-ta rừng ông đang phụ trách.
Vì thế, ông cho rằng lãng phí không chỉ thể hiện bằng chai rượu ngoại hàng nghìn đô la mà còn bằng nhiều thứ khác nữa. Và còn nhiều sự thật khác nữa mà chưa được nói hết. Ông không ngại kể thẳng câu chuyện có thật ở nhiều địa phương vẫn đang áp dụng.
“Ngoài tiệc rượu, có nhiều địa phương vẫn sẵn sàng chiêu đãi chuyên gia, quan chức bằng cả chân dài, gái đẹp và còn bằng nhiều thứ khác nữa. Tôi biết, nhiều trường hợp chỉ cần đưa ý tưởng rồi tùy ý lựa chọn, xong xuôi sẽ có người trả tiền. Thế nhưng báo cáo tham nhũng tại các địa phương, bộ, ngành nào cũng nói là không có thì chống làm sao được”, ông Lung ngán ngẩm.
Điều ông lo ngại, là từ sự dễ dãi trong sử dụng và quản lý sẽ là nguyên nhân dẫn tới nhờn luật, coi thường kỷ cương.
Bản thân ông cũng từng được cử đi xử lý vụ lùm xùm liên quan tới việc phá rừng Tánh Linh (Bình Thuận)
Ông kể, bản chất của vụ việc không đơn giản chỉ là phá rừng mà còn có sự đấu đá, thanh trừng nội bộ. Khi đó, ông là Cục trưởng Cục lâm nghiệp được cử vào để xử lý vụ việc này.
"Trước khi đi tôi được lãnh đạo Bộ nhắc nhở, chỉ nên đi với danh phận là một nhà nghiên cứu khoa học chứ không vào với danh nghĩa là Cục trưởng.
Tôi cũng được nói trước sẽ có người của địa phương ra tận sân bay đón và tiếp đãi rất chu đáo. Tuy nhiên, theo nhắc nhở trước đó tôi tự đi xe của bộ và tự thu xếp chỗ ăn, ngủ mà không liên quan tới địa phương.
Khi vào làm việc với địa phương, tôi nói thẳng tôi chỉ làm việc và đưa ra ý kiến quan điểm của một nhà khoa học đơn thuần, không dựa trên vị trí nào để bàn luận. Nhờ sự thẳng thắn, tôi đã tránh được phiền phức không đáng có", ông nói.
Vì thế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, để xảy ra tình trạng trên lỗi trước tiên thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Đơn vị quản lý trực tiếp những cán bộ, công chức, những người hưởng lương trực tiếp từ ngân sách, từ tiền thuế của dân nhưng lại không mẫu mực, không một lòng “vì dân phục vụ”.
Những việc quan chức địa phương mời chuyên gia Nhật chai rượu cả nghìn đô có lẽ chỉ là trường hợp cá biệt nhưng hoàn toàn không hiếm trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.
Mời quý độc giả xem video: