Dân vây trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa
Liên tục trong hai ngày 29/2 và 1/3, các con đường dẫn vào khu vực UBND tỉnh Thanh Hóa đã bị lực lượng chức năng chặn lại. Nguyên nhân do hàng trăm người dân đi biển thuộc 4 phường xã Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và Quảng Cư (Thị xã Sầm Sơn) đã kéo lên vây kín cổng UBND tỉnh để kiến nghị về dự án lấy mất rừng phòng hộ, mất bến đậu đỗ thuyền, nơi mà hàng trăm con thuyền của họ trở về mỗi ngày.
|
Người dân vây trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để kiến nghị. |
Ngay trong sáng ngày 29/2, hàng trăm người dân đã từ Thị xã Sầm Sơn kéo lên thẳng trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa. Họ mang theo chiếu bạt và những lá đơn kiến nghị để gửi lên những người có chức có quyền của tỉnh này. Lực lượng an ninh nhanh chóng phong tỏa các con đường dẫn vào khu vực trụ sở UBND tỉnh. Những hàng rào được lập để ngăn các phương tiện lưu thông. Lực lượng CSGT, an ninh đã được huy động để đảm bảo tình hình an ninh trật tự.
|
Lực lượng an ninh phải rào chắn, chặn đường dẫn vào UBND tỉnh. |
Đến sáng 1/3, những người dân lại tiếp tục kéo lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để tìm câu trả lời cho những kiến nghị của họ. Sự việc chấn động tỉnh Thanh Hóa này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.
Theo một số người dân có mặt trước trụ sở UBND tỉnh, dự án cải tạo khuôn viên biển, thị xã Sầm Sơn khi được triển khai, sẽ lấy mất rừng phòng hộ ven biển, mất bến đậu đỗ của hàng trăm người dân làm nghề biển.
>>> Clip dân quây trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa:
Người dân cho biết, từ ngày UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép một tập đoàn vào lấy đất làm khu du lịch sinh thái, đã khiến hàng trăm hộ dân bị mất đất, mất bến bãi neo đậu mỗi khi đi biển để kiếm kế mưu sinh.
Dự án "cướp" kế sinh nhai
Để tìm hiểu thực tế cuộc sống của những người đi biển khi bị tác động bởi dự án trên, PV Kiến Thức đã tìm về các địa phương Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn, Quảng Cư. Nơi đâu, người dân cũng xôn xao bàn luận, xen lẫn sự bức xúc là nỗi lo lắng khi mai này không biết cuộc sống của họ và gia đình sẽ thế nào khi bãi neo đậu thuyền của họ không còn nữa.
|
Người dân có mặt tại khu vực bến bãi thuộc xã Quảng Cư cũng rất bức xúc. |
|
Sắp tới người dân sẽ không được neo đậu tàu thuyền tại đây. |
|
Công trình FLC đang được xây dựng ngay sát khu bến bãi. |
"Bốn, năm đời cha ông chúng tôi đã truyền nối nghề chài lưới trên biển. Nhờ chúng tôi mới có du lịch Sầm Sơn ngày nay. Thế nhưng, hiện nay tỉnh Thanh Hóa, Thị xã Sầm Sơn đã định lấy về giao cho một tập đoàn. Họ lấy hết toàn bộ bến thuyền chúng tôi ở đây và chuyển chúng tôi đến tận bến Quảng Hùng xa cách 10 km. Chúng tôi đánh bắt nhỏ lẻ con moi, con cá, bán tươi chỉ 4000đ/kg, bán khô mới được 10.000 đ/kg, giờ họ chuyển chúng tôi đến bến trên 10 km đi lại rất khó khăn. Nhà tôi có 2 vợ chồng đi biển, sáng chồng đi biển, vợ cũng phải đi theo. Rồi tôi lại phải về nhà sau đó lại đi xuống đón chồng.
Ngày bắt được nhiều khoảng 50kg moi, ngày ít được vài kg, nếu đi đường xa như thế sẽ rất khó khăn. Chúng tôi chỉ mong chính quyền để chúng tôi 4 xã, phường khoảng 1km trong tổng 3,5 km để chúng tôi sinh sống nhưng không ai đồng ý. Sau đó họ thông báo không để dân mét nào, chúng tôi bức xúc lên kéo lên tỉnh, vừa phụ nữ, bà lão, kể cả học sinh cũng bỏ học để lên UBND tỉnh", bà Nguyễn Thị Lý, trú tại khu Trung Kỳ, phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn cho biết.
Clip bài Nguyễn Thị Lý bày tỏ những nỗi niềm khiến bà bức xúc:
"Bao nhiêu đời qua, chúng tôi làm nghề chài lưới, đã chống trả lụt bão, sống chết bám biển, bám đất quê hương, những khi khó khăn có ai đến hỗ trợ chúng tôi được gì. Nay, không biết là tập đoàn của ông nào về đây, họ lấy bến bãi mà chúng tôi gìn giữ hàng trăm năm nay. Hàng nghìn con người chúng tôi không biết sống ra sao. Trước họ về giăng phao cấm biển không cho ai đi qua biển, giờ còn bến bãi họ định lấy cả", ông Vũ Đình Tầm, thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư bức xúc.
Clip dân làng chài Quảng Cư bày tỏ sự lo lắng:
Hàng trăm người dân đang có mặt tại trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa, cũng giống như tâm trạng của hàng trăm hộ dân đang ở bãi biển thời điểm PV có mặt đều chung tâm trạng lo lắng cuộc sống mai này sẽ gặp nhiều khó khăn khi bến bãi nơi họ mưu sinh hàng trăm năm qua sẽ không còn. Họ cho biết, để đổi lấy lợi ích của một tập đoàn bằng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân chài lưới, thì ai cũng biết bên nào nặng hơn. Hơn nữa, những người dân nơi đây mới là những người gắn bó với mảnh đất này qua nhiều thế hệ.
"Ép" dân đổi nghề dù đã mất hết đất canh tác?
Để làm rõ những nội dung liên quan, PV Kiến Thức đã liên hệ làm việc với UBND thị xã Sầm Sơn. Trao đổi với PV, Phó chánh văn phòng UBND Thị xã Sầm Sơn, ông Lê Văn Khoa cho biết: "Về vấn đề phóng viên hỏi, UBND thị xã đã giao cho PCT Thị xã phụ trách trả lời nhưng hiện nay PCT Thị xã này đang bận đi họp".
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Khoa cho biết: “Bờ biển dài 3,5 km qua khu vực phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư thuộc dự án cải tạo bãi biển theo chương trình của tỉnh và thị xã, khu này được cải tạo giải phóng mặt bằng để xây dựng các kiốt mới khang trang hơn, phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch Sầm Sơn và dưới vẫn làm bãi biển do thị xã Sầm Sơn quản lý.
Trong 3,5 km bờ biển đó có các ngư dân đi đánh cá thường dùng các phương tiện nhỏ lẻ, Chủ trương của tỉnh là dành lại toàn bộ 3,5 km bờ biển đó cho kinh doanh du lịch. Chủ trương đó quan trọng lắm, phục vụ cho 3,5 triệu khách du lịch Sầm Sơn. Đây là chủ trương của tỉnh nhưng người dân ở đây lại mong muốn dành cho họ từ 500m đến 1000m trong 3,5 km. Tuy nhiên, theo chủ trương của tỉnh điều đó là không được. Chúng tôi đã đưa ra các hướng để giải quyết vấn đề. Thứ nhất là chuyển bà con ra bến bãi cách xa đó. Thứ hai là hỗ trợ tiền cho họ để cứ 2 đến 3 hộ dân thì góp tiền lại mua cái tàu lớn một tý chút để họ cập một cái bến khác và bến này không nằm trong bờ biển dài 3,5 k đó. Thứ hai hỗ trợ tiền để cho dân đổi nghề”, ông Lê Văn Khoa cho hay.
Tuy nhiên, khi PV hỏi, người dân ở đây thì không còn đất canh tác, họ chỉ biết làm nghề chài lưới thì đổi nghề thế nào? Cuộc sống của họ sẽ đi về đâu? ông Khoa cũng thừa nhận điều đó và không trả lời được câu hỏi của PV.
Trao đổi với PV, ông Lường Văn Hoàng, PCT xã Quảng Cư cho biết: “UBND tỉnh và thị xã có chủ trương cải tạo khu vực bờ biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, trong đó có đoạn đi qua thôn Hồng Thắng của xã. Theo dự án sẽ có sắp xếp lại bến thuyền, tàu thuyền của bà con ngư dân. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất của bà con nhân dân nên dù bà con ủng hộ chủ trương của tỉnh nhưng yêu cầu để lại khoảng một ít không gian 500m. Tỉnh lại không đồng ý. Bà con phản ứng nên tập hợp nhau lên tỉnh. Còn thông tin bà con cho con em nghỉ học đi phản đối thì đến giờ này, theo thông tin từ các trường thì chưa có cháu nào nghỉ học”.
Để làm rõ những nội dung liên quan, sáng ngày 1/3, PV Kiến Thức đã liên hệ với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng nhưng dù gọi nhiều lần, vị chủ tịch này không bắt máy. Liên hệ Chánh văn phòng UBND tỉnh, ông Ngô Hoàng Kỳ thì ông này cho biết: "Hiện đang bận họp để giải quyết vụ việc này nên chưa thể tiếp PV".