Mới đây, dư luận vô cùng bất bình việc Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) Nguyễn Văn Hoàng bổ nhiệm con rể Lê Quang Phúc làm Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng không đúng quy định của pháp luật.
Sự việc này mới đây được Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận công bố trong kết luận thanh tra về về việc tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức tại huyện Hàm Thuận Bắc giai đoạn từ tháng 1/2015 đến 6/2019.
Lâu nay, chuyện bố bổ nhiệm con, bổ nhiệm người thân không phải là chuyện hiếm, thậm chí trở thành chuyện bình thường khi nhiều cơ quan, đơn vị họp cơ quan mà như họp gia đình, họp họ, “ngồi hết một nửa bếp ăn là con em gia đình một vài vị lãnh đạo đơn vị” khi có quá nhiều người thân thích cùng công tác. Tất nhiên, tất cả đều rất đúng quy trình. Bởi thực tế, không ai cấm “cả nhà làm quan” nếu tất cả đều có năng lực, đạo đức và đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, bổ nhiệm.
|
Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc bổ nhiệm con rể trái quy định. Ảnh: Zing |
Do vậy, nếu con rể Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc đủ điều kiện, có năng lực, đạo đức, được bổ nhiệm theo đúng quy trình thì bố bổ nhiệm con rể cũng không có gì là lạ.
Tuy nhiên, thực tế, con rể Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ là nhân viên hợp đồng mà bố vợ thản nhiên ký quyết định công nhận viên chức, rồi bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư huyện vào năm 2016, sau đó tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ làm Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng lại là điều hết sức bất thường, khiến dư luận bức xúc.
Bởi chiếu theo quy định thì rõ ràng việc cất nhắc từ một nhân viên hợp đồng thành viên chức rồi bổ nhiệm chức vụ như trên là không đúng theo quy định. Hơn nữa, rõ ràng có sự ưu ái người nhà bởi tại huyện này không thiếu nhân sự tại chỗ, có đầy đủ phầm chất, năng lực, bằng cấp để đảm nhiệm vị trí mà con rể Chủ tịch huyện được bổ nhiệm, nắm giữ.
Đồng thời, qua việc bổ nhiệm trên cũng cho thấy dấu hiệu sự tham nhũng quyền lực, lạm quyền để bổ nhiệm người thân mà thực tế, việc lạm dụng quyền lực nhằm đưa người thân vào trong bộ máy lãnh đạo là một biến tướng của tham nhũng. Bởi làm công chức đúng với công việc, đồng lương thì không thể giàu có, thậm chí rất vất vả, do vậy việc bổ nhiệm người thân làm lãnh đạo phòng ban tiềm ẩn nguy tham nhũng.
Trong các loại tham nhũng thì tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ rất nguy hiểm bởi họ lợi dụng chức quyền bổ nhiệm người nhà không đúng cả tâm lẫn tầm, trong khi những người đủ điều kiện, năng lực lại không được trọng dụng, bổ nhiệm.
Đáng chú ý, dù bổ nhiệm chức vụ sai quy định đối với con rể mình nhưng Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc vẫn cho rằng đã làm theo quy trình, trong đó có thông qua Ban thường vụ Huyện ủy Hàm Thuận Bắc. Tuy nhiên, thực tế việc làm “theo quy trình” như trên chỉ là sự lấp liếm, hợp thức hóa cái sai của bản thân, bởi nếu theo quy trình, thậm chí thông qua cả Ban thường vụ huyện ủy mà Sở Nội vụ mới đây đã chỉ ra rằng, việc bổ nhiệm trên chưa đúng quy định của pháp luật.
Cùng với việc chỉ ra sai phạm trong việc bố làm chủ tịch bổ nhiệm con rể, Sở Nội vụ còn đề nghị địa phương trên bãi bỏ quyết định bổ nhiệm ông Lê Quang Phúc - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hàm Thuận Bắc. Đồng thời yêu cầu kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai sót nêu trên.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cần phải xử lý nghiêm Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Văn Hoàng chứ không thể chỉ kiểm điểm qua loa rồi rút kinh nghiệm. Đồng thời, cần kiểm điểm xử lý cả Ban Thường vụ huyện Hàm Thuận và tổ chức liên quan của huyện này khi đã chấp thuận việc bổ nhiệm trên.
Bởi chỉ có xử lý nghiêm người bổ nhiệm sai quy định mới ngăn chặn được các việc bổ nhiệm tương tự tái diễn, nuôi dưỡng niềm tin của người dân. Thực tế, một người thân của lãnh đạo được bổ nhiệm sai quy định sẽ khiến các cán bộ viên chức, công chức khác xuống tinh thần, mất niềm tin.
Đáng chú ý, không chỉ bổ nhiệm con rể sai quy định, UBND huyện Hàm Thuận Bắc còn “công nhận” sai pháp luật 10 người trong diện hợp đồng lao động bỗng nhiên trở thành viên chức của đơn vị này và việc công nhận này không căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành.
Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận kết luận “cả 10 viên chức đang làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hàm Thuận Bắc (trong đó có phó giám đốc Lê Quang Phúc) vẫn chỉ là nhân viên hợp đồng”. Và “UBND huyện không ký hợp đồng đối với 10 nhân viên trên là chưa đảm bảo quy định tại Nghị định 29CP/2012 của Chính phủ”.
Thậm chí, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Văn Hoàng còn bổ nhiệm lại ông Cao Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, khi ông này đang trong giai đoạn kỷ luật.
Bởi theo quy định cụ thể tại điều 82, Luật Cán bộ công chức 2008 hiện hành nêu rõ: “Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, rõ ràng, việc bổ nhiệm lại ông Cao Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, khi ông này đang trong giai đoạn kỷ luật là sai quy định của Luật Cán bộ công chức.
Từ những sai phạm trên, dư luận đặt câu hỏi, nếu việc bổ nhiệm con rể sai quy định xuất phát từ việc ưu ái người thân, thì động cơ của Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc là gì khi ưu ái cả những người từng bị kỷ luật và nâng đỡ 9 nhân viên hợp đồng thành công chức? Việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ này phải chăng vừa dựa theo tiêu chí 5C “con cháu các cụ cả” và có thể cũng dựa trên cả tiêu chí : “tiền tệ - quan hệ - đồ đệ- ngoại lệ - trí tuệ”. Nhưng dù động cơ nào đi chăng nữa thì sai phạm đã rõ ràng, cần phải xử lý nghiêm minh.