Kinh doanh máy xét nghiệm COVID-19: Trục lợi lớn?
Mới đây, thông tin về vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã xác định những người liên quan có hành vi móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế. C03 phát hiện hệ thống Realtime PCR tự động khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ có có giá khoảng 2,3 tỷ đồng nhưng CDC Hà Nội mua vào với giá cao hơn gấp 3 lần, trên 7 tỷ đồng.
Theo C03, việc “thổi giá” hệ thống Realtime PCR tự động tại CDC Hà Nội được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau.
Đáng chú ý, trong số 7 bị can bị bắt, có Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1985) là nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông. Công ty Phương Đông là đơn vị đã lắp đặt và triển khai hệ thống xét nghiệm COVID-19 cho nhiều bệnh viện lớn trên cả nước như Vinmec, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm CDC Quảng Ninh, CDC Hà Nội, Bắc Giang...
|
Lãnh đạo CDC Hà Nội cấu kết nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông và một số đơn vị để trục lợi. |
Liên quan đến máy xét nghiệm Realtime PCR, ngay sau khi C03 khởi tố vụ án, khởi tố các bị can ở CDC Hà Nội, tại Quảng Ninh cũng lộ ra thông tin, Liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao đã bán hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 của Hãng Qiagen (Đức) cho Sở Y tế Quảng Ninh, với giá trên 8,4 tỷ đồng. Sau khi CDC Hà Nội bị vạch trần, giá bán giảm còn 5,2 tỷ.
Cụ thể, hợp đồng được ký ngày 1/3 giữa Sở Y tế Quảng Ninh với liên danh nhà thầu là 8,4 tỷ đồng. Sau khi khi cơ quan điều tra Bộ Công an làm việc với Quảng Ninh, ngày 23/3, Sở Y tế Quảng Ninh đã ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu, giá giảm còn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết giá hệ thống này hiện chỉ còn 5,2 tỷ đồng tức đã được giảm tiếp thêm 1,8 tỷ đồng so với phụ lục ngày 23/3.
Từ vụ việc Công ty TBYT Phương Đông cấu kết với CDC Hà Nội và một số đơn vị nâng khống giá bán máy xét nghiệm COVID -19 từ 2,3 tỷ giá nhập khẩu lên 7 tỷ đến việc liên danh Công ty CP đầu tư và XNK y tế Việt - Công ty CP TBYT Ánh Sao hạ giá bán sau khi ký hợp đồng với Sở Y tế Quảng Ninh từ 8,4 tỷ xuống 5,2 tỷ cho thấy dấu hiệu kinh doanh trục lợi rất lớn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, cơ quan điều tra cho biết thủ đoạn mà các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là thực hiện các giao dịch liên kết qua nhiều khâu, nhiều đơn vị tạo ra sự lòng vòng để tăng giá.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Do đó, việc liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao đã bán máy xét nghiệm COVID-19 của Hãng Qiagen (Đức) cho Sở Y tế Quảng Ninh, với giá trên 8,4 tỷ đồng sau đó hạ xuống 5,2 tỷ đồng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trường hợp này, việc liên danh nhà thầu, chuyển qua các doanh nghiệp có phải là thủ đoạn phương thức để đẩy giá thành phẩm hay không.
“Nếu có căn cứ cho thấy các giao dịch trước đó là thủ đoạn cũng giống như ở trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thì vi phạm là như nhau, chỉ khác nhau ở mức độ thiệt hại cho nhà nước. Vấn đề này rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm pháp lý. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các hợp đồng, giao dịch, liên kết giữa các bên trong vụ việc này là thực tế hay chỉ là “bình phong” giả tạo để che giấu hành vi, thủ đoạn bên trong” - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Bởi trong kinh doanh thương mại, bên bán hàng bao giờ cũng mong muốn bán được giá cao nhất có thể, còn bên mua hàng bao giờ cũng mong mua giá rẻ nhất.
Khi hai bên là Sở Y tế Quảng Ninh và Liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao đã thỏa thuận thống nhất với nhau về giá cả, phương thức thanh toán đối với loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể đi đến ký kết hợp đồng rất hiếm khi giá cả bị thay đổi trừ trường hợp thôi trường có biến động quá lớn trong khi việc thực hiện hợp đồng kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm...
Thông tin sự việc ở trên cho thấy hợp đồng hai bên ký kết là 8,4 tỷ đồng, máy xét nghiệm COVID-19 là loại máy móc thiết bị hiếm vào thời điểm này, trên thế giới nhiều nước đang cần dùng và việc sản xuất không đủ cung cấp nên giá cả có thể tăng lên chứ không thể giảm đi vào thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như thế này. Cho nên việc ký hợp đồng 8,4 tỷ đồng sau đó giảm xuống 5,2 tỷ đồng là có vấn đề.
“Cần phải làm rõ việc hai bên ký phụ lục hợp đồng giảm giá xuống dưới mức giá máy móc thiết bị mà CDC Hà Nội đã mua và bị khởi tố là lý do gì? Hơn nữa việc giá giảm từ 8,4 tỷ xuống 5,2 tỷ đồng cũng như việc thanh toán một phần tiền sau đó hủy hợp đồng trả lại tiền... cho thấy, hợp đồng này có vấn đề nên mới có sự thay đổi, sửa đổi, cung cấp nhiều thông tin khác nhau như vậy” - luật sư Đặng Văn Cường nói.
Luật sư Cường cho rằng, tình tiết rất đáng lưu tâm là giá cả đã thay đổi sau khi cơ quan điều tra làm việc, đây có phải là lý do để thay đổi nội dung hợp đồng hay không?
“Nếu hợp đồng là công khai, minh bạch, đúng pháp luật, giá cả hợp lý đúng với giá thị trường, tại sao phải thay đổi giá cả như vậy? Trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, giá mua hơn 7 tỷ đối với loại hàng hóa thiết bị này, cơ quan điều tra đã xác định là có dấu hiệu thổi giá chiếm đoạt nhiều tỷ đồng để trục lợi. Trong khi đó theo hợp đồng mà Sở y tế Quảng Ninh ký với liên danh nhà thấu, giá cả cao hơn rồi mới được hạ giá”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
Giá thị trường máy xét nghiệm COVID-19 thực tế là bao nhiêu?
Luật sư Cường cho rằng, cần làm rõ, giá máy xét nghiệm COVID-19 trên thị trường là bao nhiêu? Có phải chỉ hơn 2 tỷ giống thông tin mà C03 công bố trước đó.
“Nếu thông tin giá cả này chỉ hơn 2 tỷ đồng như kết luận ban đầu của cơ quan điều tra thì số tiền chênh lên là lý do vì sao? Sở Y tế Quảng Ninh và các địa phương khác có biết giá thị trường của loại máy này hay không? Nếu biết giá thị trường như vậy tại sao lại mua giá cao để gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước?” – luật sư Cường đặt vấn đề.
Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy giá cả thị trường, giá thực tế của loại máy móc, thiết bị y tế này thấp hơn nhiều so với giá cả mua bán thực tế, cơ quan điều tra sẽ chứng minh những sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp thực hiện hành vi gian lận, thổi giá trong chỉ định thầu gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì sẽ xử lý hình sự giống như vụ án tại CDC Hà Nội.
Luật sư Cường cho rằng, việc chiếm dụng, trục lợi từ tiền ngân sách nhà nước qua việc mua bán máy xét nghiệm COVID-19 là hành vi đáng lên án và phải xem xét xử lý hình sự. Bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, đánh giá lại chất lượng các thiết bị y tế này.
“Bởi lẽ khi đã có ý định chiếm đoạt tiền của nhà nước bằng cách nâng khống giá trị của hàng hóa, các đối tượng có thể sẽ chọn mua những loại máy móc thiết bị kém chất lượng, giá cả rất thấp, rồi nâng kịch giá để tối đa số tiền có thể chiếm đoạt” – luật sư Cường cho biết.
|
Cần xem xét đánh giá lại chất lượng máy xét nghiệm COVID-19. |
Do đó, cần phải làm rõ thời gian vừa qua các máy móc, thiết bị này đã đưa vào sử dụng như thế nào phải kết quả được đánh giá ra sao.
Nếu kết quả thẩm tra, thẩm định của cơ quan chức năng cho thấy các loại máy móc thiết bị này không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm COVID-19 mà dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch bùng phát, hành vi của các đối tượng này sẽ là một tội ác tày trời, đồng thời sẽ phát sinh rất nhiều chi phí để chống dịch.
“Xem lại chất lượng của các loại thiết bị này và xác định tính chính xác của nó trong thời gian hoạt động vừa qua là một việc làm cần thiết để kiểm soát tình hình phải đề phòng các tình huống xấu nhất có thể xảy ra”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video CDC Hà Nội "hô biến" máy xét nghiệm từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng