Tiếp tục phiên xét xử bị cáo Phùng Anh Lê - cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) và đồng phạm chiều 12/8, chủ tọa phiên tòa đã tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Phùng Anh Lê.
Bị cáo Lê cho biết, mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, quê gốc ở huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây cũ - PV). Mỗi dịp lễ, Tết, giỗ tổ, bị cáo đều được mọi người ở quê gọi về tham dự. Vì thế, bị cáo mới biết có quan hệ họ hàng với ông Phùng Văn Bảy.
|
Bị cáo Phùng Anh Lê trả lời hội đồng xét xử chiều 12/8 (Ảnh: C.Trần). |
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX) về việc có hay không chuyện ông Phùng Văn Bảy gọi điện và lên phòng làm việc đưa 110 triệu đồng để thả người bị tạm giữ ở Công an quận Tây Hồ, bị cáo Phùng Anh Lê nói: "Tôi khẳng định rằng không gặp ông Bảy, không nhận khoản tiền này hoặc tài sản nào từ ông Bảy ngày hôm đó".
"Có việc ông Bảy gọi điện nhờ xem xét cho bị cáo Nguyễn Hữu Tài đang bị tạm giữ không?" - chủ tọa hỏi.
Bị cáo Lê đáp: "Không có luôn".
HĐXX chất vấn: "Bị cáo có chỉ đạo đội hình sự và nhà tạm giữ thả đối tượng nào không?".
"Không có luôn"- bị cáo Lê đáp.
Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: "Vậy tại sao các bị cáo khác đều khai rằng thủ trưởng, cấp trên của mình (Phùng Anh Lê) đã chỉ đạo thả người đang bị tạm giữ?"
Trả lời HĐXX, bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng trong số các bị cáo và người có quyền lợi liên quan trong vụ án này có người mâu thuẫn với mình. Đó là ông Phạm Quý Hải - Phó Trưởng công an quận Tây Hồ và bị cáo Lê Đình Trung. Còn lại những người khác đều có liên quan trách nhiệm trong việc cơ quan điều tra đang điều tra và tòa án xét xử hôm nay.
"Nếu đẩy trách nhiệm cho cấp trên là tôi thì đương nhiên trách nhiệm của những người đó thấp đi. Cáo trạng truy tố áp đặt cho tôi là người chủ mưu, nếu không có tôi thì đương nhiên trách nhiệm đấy lần lượt thuộc về những bị cáo khác. Nhưng khi tôi là chủ mưu thì vai trò của người khác sẽ thấp hơn"- bị cáo Phùng Anh Lê lý giải.
Cho rằng tất cả phải thượng tôn pháp luật, bị cáo Lê khẳng định không có vụ án tha người trái pháp luật, bởi không có quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài. "Nếu không có quyết định tạm giữ thì không thể có chuyện tha trái pháp luật người bị tạm giữ được. Tôi đề nghị tòa đình chỉ xét xử, đình chỉ tư cách bị cáo với anh Ngọc và anh Trung" - bị cáo Lê nói trước tòa.
Đối với tội danh nhận hối lộ được nêu trong cáo trạng, bị cáo Phùng Anh Lê cũng cho rằng mình đang bị quy kết thiếu căn cứ. "Tôi không nhận tiền của anh Bảy, không biết việc của Tài, không có thỏa thuận gì với anh Bảy cả. Tất cả do anh Bảy dựng lên" - bị cáo nói.
Theo cựu đại tá, bản thân ông Phùng Văn Bảy là người chơi cờ bạc, nợ nần nhiều và bị cáo đã từng phải giải quyết một lần khi đối tượng đòi nợ tới nhà ông Bảy đòi nợ. Ông Bảy cũng ân hận nên đã xin lỗi bố mẹ ông Bảy và xin lỗi vợ chồng bị cáo.
"Chúng ta luôn nói thượng tôn pháp luật, suy đoán vô tội với người không có chứng cứ, còn cáo trạng hôm nay hoàn toàn một chiều. Việc chứng minh chúng tôi có tội là của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, không thể bằng chỉ một lời khai để kết tội. Tôi phản bác hoàn toàn cáo trạng, nếu đọc cáo trạng nghe ghê gớm, khủng khiếp lắm, ai cũng thấy hình ảnh của tôi khủng khiếp vô cùng" - bị cáo Lê nói, giọng như nghẹn lại. Bị cáo đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử về tội nhận hối lộ và trả tự do cho mình.
Trước tòa, bị cáo Phùng Anh Lê cũng cho biết, em rể mình đã dùng điện thoại ghi lại video việc ông Phùng Văn Bảy xin lỗi vợ chồng mình việc "không đưa tiền" nhưng lại khai báo là "đưa tiền" khiến bị cáo bị đình chỉ công tác. Chỉ đến lúc lên làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSND) thì bị cáo mới biết có video em rể mình ghi lại. Không những vậy, ông Bảy còn có một lá thư gửi vợ chồng bị cáo Phùng Anh Lê bày tỏ sự ân hận, trong thư khẳng định không đưa tiền cho bị cáo Lê.
Khi được HĐXX hỏi về bức thư này, ông Phùng Văn Bảy cho rằng bức thư đó được viết ở nhà vườn của bị cáo Phùng Anh Lê trên huyện Đan Phượng (Hà Nội), ngay lập tức bị cáo này phản bác: "Đó là do ông Bảy nói. Bà Vân (mẹ ông Bảy) mang thư đó tới nhà tôi, tôi và vợ tôi ở nhà. Tôi khẳng định như vậy".
Luật sư bảo vệ cho bị cáo Phùng Anh Lê đề nghị HĐXX triệu tập một số người vắng mặt tới phiên tòa vì lời khai có nhiều mâu thuẫn. Trong buổi chiều, các luật sư tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn đối với các bị cáo và người liên quan được triệu tập tới tòa.
Theo cáo trạng vụ án, ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ và đánh anh Nguyễn Công Thành xảy ra ngày 19/9/2016 tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Tối cùng ngày, Tài bị đưa vào Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ. Do lo sợ Tài bị xử lý, người nhà của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy kết nối giúp cho Tài được hòa giải với bị hại, không bị xử lý. Ông Bảy đặt vấn đề và được ông Lê đồng ý giúp với "giá" 110 triệu đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Phùng Anh Lê bị truy tố tội Nhận hối lộ theo quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 7-15 năm tù).
Ba cựu thuộc cấp của Phùng Anh Lê ở Công an quận Tây Hồ gồm: Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Vũ Công Ngọc (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp) bị truy tố tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.