Bị teo cơ, Phúc XO được giảm án là có cơ sở
Ngày 6/11, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm Trần Ngọc Phúc (Phúc XO, SN 1982) mức án 10 năm tù về tội ”chứa chấp sử dụng ma túy”.
Việc Trần Ngọc Phúc được giảm 2 năm tù so với mức án sơ thẩm, HĐXX xét thấy bị cáo Phúc mắc bệnh teo cơ gây khó khăn cho việc đi lại, ngoài ra xét tình tiết mới là bị cáo Phúc đã nộp đủ số tiền phạt bổ sung, do đó tuyên chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ mức án.
|
Bị cáo Trần Ngọc Phúc. Ảnh: TTXVN |
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM giảm án cho Trần Ngọc Phúc và một số bị cáo trong vụ án này là hợp lý và có cơ sở.
Bởi Bộ luật hình sự quy định hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ về pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa ho phạm tội mới. Đồng thời, giáo dục họ tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Do vậy, khi bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và có những hoàn cảnh đặc biệt, éo le, có những tình tiết mới tại giai đoạn phúc thẩm, tòa án có thể căn cứ vào đó để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường dẫn quy định tại điều 256 BLHS 2015 về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và cho biết, trường hợp bị cáo bị kết tội về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 2, Điều 256 bộ luật hình sự năm 2015 hình phạt từ 7 đến 15 năm, tòa án xét xử 10 năm hay 12 năm đều vẫn trong khung hình phạt pháp luật quy định, chưa phải là áp dụng dưới khung hình phạt.
Theo luật sư Cường, hình phạt dù 10 năm hay 12 năm, mục đích cuối cùng cũng chỉ để giáo dục, răn đe đối với bị cáo và phòng ngừa chung. Có lẽ với hành vi của Phúc và các đồng phạm, mức án như vậy cũng đủ để cho các đối tượng này nhận thức được hành vi phạm tội của mình và để răn đe cho những người khác.
Thực tiễn cho thấy, tại phiên tòa phúc thẩm mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, khi có căn cứ cho thấy mức hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên là quá nghiêm khắc hoặc có những tình tiết chứng cứ mới có thể giảm nhẹ một phần hình phạt hoặc có hoàn cảnh thay đổi căn bản, tòa án cấp phúc thẩm sẽ có căn cứ để sửa bản án sơ thẩm, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
“Kết quả điều tra và diễn biến tại phiên tòa cho thấy đối tượng Phúc XO không phải là đối tượng giang hồ, côn đồ, manh động, gây bức xúc trong dư luận. Đối tượng này chỉ nổi tiếng bởi người đeo nhiều vàng giả, bởi vậy với hoàn cảnh éo le, sức khỏe giảm sút và thái độ thành khẩn, ăn năn. Do vậy, việc tòa án cấp phúc thẩm giảm một phần hình phạt cho Phúc như vậy là phù hợp, thể hiện tính nhân văn, hướng thiện trong áp dụng hình phạt, đảm bảo hiệu quả trong quá trình thi hành án”- luật sư Cường cho hay.
Tù nhân bị bệnh, thụ án thế nào?
Dư luận quan tâm, Phúc XO bị teo cơ chân, đi lại khó khăn, tại tòa phải ngồi xe lăn. Với tình hình bệnh tật trên, bị cáo này sẽ thụ án thế nào?
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NĐ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự quy định, người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
Theo đó, bị án có thể được hoãn trong trường hợp bị bệnh nặng tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành án phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ, ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu…
Nếu tình trạng bệnh tật của Phúc XO diễn biến xấu và có khả năng bại liệt đã bị kết án phạt tù, căn cứ vào khoản 1, điều 23 Luật Thi hành án hình sự, bị án có thể viết đơn đề nghị, kèm theo các giấy tờ liên quan như bản sao bản án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án gửi Tòa án nhân dân để xem xét, quyết định cho hoãn chấp hành hình phạt tù.
Tuy nhiên, teo cơ chân là dạng bệnh lý thường gặp. Trường hợp bệnh tật của Phúc XO không nặng như các trường hợp được quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NĐ-HĐTP ngày 02/10/2007, bị án này vẫn phải chấp hành án phạt tù.
Theo khoản 2, điều 55 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định về Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân nêu rõ: Phạm nhân bị ốm, bị thương tích thì được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi gần nhất.
Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị; trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho phạm nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.
Trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh, bệnh viện quân đội xây dựng hoặc bố trí một số buồng riêng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho phạm nhân. Việc quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chịu trách nhiệm.
Khoản 5, điều 55 nêu rõ, kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức cai nghiện ma túy và kinh phí xây dựng, bố trí các buồng chữa bệnh dành cho phạm nhân tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước cấp.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trần Ngọc Phúc (Phúc XO) bị đề nghị mức án 10 -12 năm tù