Phó GĐ CA Thái Nguyên bác “Nguyễn Xô Việt là con“: Động cơ của “kẻ” tung tin?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận đặt câu hỏi về động của những đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội về việc Thượng úy Nguyễn Xô Việt là con của lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên có phải nhằm động cơ bôi xấu lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên. Các đối tượng sẽ bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật?

Liên quan vụ thượng uý công an tát nhân viên trạm Hải Đăng, mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện và lan truyền thông tin, thượng uý Nguyễn Xô Việt (SN 1984, hiện đang công tác tại Công an thị xã Phổ Yên) là con trai đại tá Nguyễn Văn Vui - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, theo nick Phạm Minh Vũ đã đăng tải thông tin trên kèm hình ảnh của đại tá Nguyễn Văn Vui. Ngoài ra, nhiều tài khoản mạng khác cũng đăng tải thông tin tương tự.
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Văn Vui – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên đã bác thông tin trên và khẳng định, thông tin này không đúng sự thật và ông không có con trai. Ngoài ra, đại tá Nguyễn Văn Vui cho biết thêm, ông chưa từng đi học ở nước ngoài như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.
Pho GD CA Thai Nguyen bac “Nguyen Xo Viet la con“: Dong co cua “ke” tung tin?
 Hình ảnh ghi lại vụ việc.
Đại tá đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, thông tin lan truyền trên MXH là không chính xác.
Dư luận đặt câu hỏi, việc các đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội như trên có phải nhằm động cơ bôi xấu lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên. Hành vi của các đối tượng này sẽ bị xử lý như thế nào theo các quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, việc bày tỏ quan điểm cá nhân về một vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội... là hành vi hợp pháp được Hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận, bảo đảm thực hiện, đó là quyền tự do ngôn luận.
"Tuy nhiên, pháp luật nước ta cũng ghi nhận nhiều quyền tự do khác cho công dân, ngoài tự do ngôn luận, pháp luật còn ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân, bảo vệ trật tự xã hội. Nếu người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm các quyền lợi khác của tổ chức, cá nhân thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà có thể bị xử lý theo pháp luật" - luật sư Đặng Văn Cường nói.
Pho GD CA Thai Nguyen bac “Nguyen Xo Viet la con“: Dong co cua “ke” tung tin?-Hinh-2
Một trong những nội dung đồn đoán sai sự thật về việc thượng úy Việt là con một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên được lan truyền trên mạng xã hội. 
Do vậy, luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng có thể xem xét những nguồn tin đó, tùy vào tính chất mức độ, mục đích và hậu quả gây ra mà người tung tin đồn thất thiệt sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 8, Luật An ninh mạng, quy định việc “đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác..." là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định.
Luật sư Cường phân tích, nếu hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà chưa tới mức gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Người nào thực hiện hành vi này gây ra hậu quả đến mức nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, hình phạt có thể đến 3 năm tù.
Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội vu khống theo điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 hoặc các tội phạm thuộc nhóm tội phạm công nghệ cao. Nếu có động cơ chính trị thì có thể xử lý về các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.
Được biết, hiện thượng úy Nguyễn Xô Việt đang bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ vụ việc. 
  Clip ghi lại vụ việc trên.
Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% ;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên78 ;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
g) Dẫn đến biểu tình.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)