Như Kiến Thức đã đưa tin về việc Phó chi cục Thuế huyện Quế Võ bị tố “quấy nhiễu” doanh nghiệp, đơn tố cáo nặc danh được gửi tới UBND tỉnh Bắc Ninh và Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh. Nội dung đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chi cục và một số cán bộ thuộc Chi cục Thuế huyện Quế Võ, có hành vi đe dọa, gây khó khăn, áp lực, quấy nhiễu, hách dịch, lợi dụng chức quyền tham nhũng…
Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh nói gì về cán bộ ngành bị tố cáo
Ngay khi nhận được đơn trên, ngày 11/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã chỉ đạo giao Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh xem xét, kiểm tra nội dung đơn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 20/5/2017.
Về phía cơ quan quản lý ông Nguyễn Văn Thịnh là Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, ông Lê Bá Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh – cho biết, ngày 12/5, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh nhận được công văn truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, từ khi nhận được công văn này đến nay, Cục Thuế chưa làm việc với ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Quế Võ để làm rõ những nội dung trong đơn. Trước đó, Cục Thuế cũng nhận được đơn về việc này lên đã mời ông Thịnh lên trao đổi.
|
Trụ sở Chi cục thuế huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). |
Trả lời câu hỏi của PV Kiến Thức, trong trường hợp xác minh khẳng định nội dung đơn tố cáo có căn cứ, thì quan điểm của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh sẽ xử lý như thế nào, ông Lê Bá Ngọc cho biết: “Nếu đúng như nội dung đơn tố cáo thì chúng tôi khẳng định phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, ngành không bao giờ dung túng những việc làm sai trái”.
Theo lời ông Lê Bá Ngọc, ông Nguyễn Văn Thịnh trước khi chuyển về làm Phó chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Quế Võ đã từng công tác tại Phòng thuế thu nhập cá nhân của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.
“Ông Thịnh là người làm việc có tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn. Năm ông Thịnh 56 tuổi được chuyển về Chi cục thuế huyện Quế Võ, dù khi đó ông Thịnh không thuộc dạng trong luân chuyển cán bộ nữa nhưng vì xuất phát từ nhiệm vụ. Thời điểm đó, trên địa bàn huyện Quế Võ, tình trạng các doanh nghiệp vi phạm buôn bán hóa đơn có, xử lý có, dẫn đến đã phải chuyển xử lý sang cơ quan công an, có xử lý cả hình sự dẫn đến Cục thuế đã chuyển đồng chí Thịnh về để tăng cường hỗ trợ đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Thịnh cũng chưa bao giờ vi phạm kỷ luật trong quá trình công tác”, ông Lê Bá Ngọc cho biết.
Đơn tố cáo nặc danh được xem xét, giải quyết trong trường hợp nào?
Nội dung đơn tố cáo trên đang được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh làm rõ. Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi: Trong trường hợp đơn tố cáo nặc danh, không để lại tên tuổi cũng như địa chỉ cụ thể của người tố cáo thì có được xem xét giải quyết hay không?
Tại điểm c, khoản 1 Điều 38 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: “Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới”.
Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 55 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng: “4. Đối với những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng”.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho biết: “Nếu đơn nếu đích danh và đích xác sự việc thì vẫn cần phải kiểm tra, làm rõ”.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh - nhìn nhận: “Nguyên tắc cơ bản trong giải quyết tố cáo đó là phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định pháp luật; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
Khoản 2 Điều 9 Luật tố cáo quy định rất rõ nghĩa vụ của người tố cáo là phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình (không được tố cáo nặc danh). Trong suốt quá trình giải quyết tố cáo, toàn bộ các thông tin này người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải hoàn toàn giữ bí mật. Trong trường hợp tố cáo nặc danh, tùy vào nội dung tố cáo mà người có thẩm quyền có thể xem xét có thể vẫn tiếp nhận và xác minh nội dung tố cáo. Như vậy, việc Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh giao Cục Thuế kiểm tra nội dung đơn thư tố cáo có thể coi là hành vi cần thiết để xác minh nội dung tố cáo, góp phần giải quyết phần nào những căng thẳng, bức xúc của người tố cáo”.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.