Không công bố danh tính, lịch trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ ngày 27/4 đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 bệnh nhân mắc Covid – 19. So với các đợt dịch trước, đợt dịch này được các cơ quan chuyên môn đánh giá là nguy hiểm hơn, thời gian ủ bệnh kéo dài, tốc độ lây lan nhanh… Dịch bệnh không chỉ làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp phá sản, nhiều lao động mất việc làm.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đã xuất hiện tình trạng phát tán, lan truyền, các thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân lên mạng internet. Đáng chú ý, nhiều văn bản mang tính chất “nội bộ” để phục vụ công tác truy vết, xử lý các ca bệnh F0 cũng bị phát tán và chia sẻ tràn lên trên mạng xã hội khiến cộng đồng mạng bình luận, bàn tán trái chiều gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Điển hình như vào ngày 27/3/2020, Sở TN&MT TP.HCM có công văn số 2285/ STNMT-CTR về báo cáo phương án hoạt động, hỏa táng ứng phó với tình hình, phòng chống dịch Covid -19. Sau đó, Văn bản này được lan truyền trên mạng xã hội, gây ra nhiều bình luận, bàn tán khiến người dân hoang mang. Ngay sau đó, chính quyền TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo và thu hồi văn bản này.
|
Nhiều cá nhân bị xử phạt vì phát tán thông tin cá nhân về bệnh nhân Covid - 19.
|
Trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về việc đưa thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện truyền thông, với mục tiêu vừa bảo đảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm về quyền được giữ bí mật thông tin của người bệnh theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 4191/BYT-KT 2021 quy định: “Không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với COVID-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế. Các đơn vị chỉ đạo, quán triệt các nhân viên y tế của đơn vị mình thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám chữa bệnh: không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ...) của bệnh nhân mắc Covid-19.
Không một ai trong số chúng ta muốn mình hay người thân mắc Covid – 19. Bởi ngoài những tổn hại về sức khỏe thể chất, tinh thần, người bệnh còn phải điều chịu sự soi mói quá nhiều từ cộng đồng xã hội đến cuộc sống riêng tư. Thậm chí, trong một số trường hợp lịch trình của của F0 bị suy diễn thành nhiều câu chuyện được rất nhiều hội nhóm bàn tán, khiến cuộc sống của họ và những người liên quan bị đảo lộn.
Mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố 3 bị can liên quan đến hành vi phát tán clip mạo danh quán bar Sunny. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, sau khi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 liên quan đến quán bar karaoke Sunny, các đối tượng đã tải clip trên lên mạng có hình ảnh giống với bar karaoke Sunny để gây sự chú ý, tò mò, thu hút người xem để truy cập vào trang website do đối tượng quản lý nhằm mục đích phi pháp.
Hay ngày 24/2, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành xử lý 3 trường hợp đăng tải thông tin báo cáo nhanh về các trường hợp phải cách ly với đầy đủ họ tên, địa chỉ liên hệ và lịch trình di chuyển của người đi cách ly.
Cụ thể: bà L.T.H.V (trú tại huyện Lâm Hà), ông L.X.H (trú tại huyện Di Linh); ông Tr.P.Đ (trú tại huyện Lâm Hà) vi phạm quy định về thu thập, sử dụng, phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác tại điểm C, khoản 2, Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Tương tự, tại Quảng Ngãi, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh đã lập biên bản xử lý một chủ fanpage về hành vì hành vi đăng tải thông tin cá nhân liên quan đến dịch COVID-19. Trước đó, ngày 02/5, một phụ nữ 28 tuổi, trú tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn đã sử dụng Fanpage “Tin tức Bình Sơn – New Day” do mình quản lý, để đăng tải danh sách các trường hợp là F2 và F1 của Ca bệnh BN2899 (tỉnh Hà Nam) kèm theo đầy đủ thông tin cá nhân (họ và tên; số điện thoại; địa chỉ nơi cư trú) lên mạng.
Có thể bị phạt tù
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, các luật sư cho rằng, khi mới bùng phát dịch bệnh Covid – 29, có rất nhiều thông tin về bệnh nhân covid 19 được công khai trên báo đài cũng như mạng internet. Việc làm này tuy giúp việc điều tra truy vết bệnh nhân tuy nhiên vô tình đã vi phạm nghiêm trọng quyền “ riêng tư” của các bệnh nhân covid 19.
Theo quy định của pháp luật, người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc người liên quan đến bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 (F1, F2, F3…) đều phải có trách nhiệm cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin được quyền cung cấp tất cả thông tin này lên mạng xã hội hay phương tiện truyền thông khi chưa được phép.
|
LS.ThS. Nguyễn Thị Kiều Trang.
|
LS.ThS. Nguyễn Thị Kiều Trang, Công ty Luật TNHH Sao Sáng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Thông tin cá nhân” là một trong những nội dung được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo về quy định cụ thể tại: Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”; Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án”; Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Tại điểm b khoản 2 điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân có thể bị phạt tiền từ 20 tới 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hành vi công khai thông tin riêng hợp pháp của cá nhân lên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại trên 100 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân thì tuỳ từng mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên tới 7 năm tù giam theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật nêu trên gây thiệt hại thì còn phải bồi thường cho cá nhân bị tổn hại theo quy định tại điều 584 và 585 của Bộ luật Dân sự 2015.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người dân hãy thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế trung thực, tỉnh táo khi chia sẻ các thông tin lên mạng xã hội, thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch của các cơ quan chức năng để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.