Phát biểu kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội chiều 3/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Từ ngày 4/4, tăng cường kiểm tra, những trường nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường là phải phạt. Chế tài đi ra ngoài đường phạt có rồi, các đồng chí kiểm tra và phải phạt những người không thuộc diện đi ra ngoài đường.
Tôi yêu cầu tất cả các công viên trên địa bàn phải đóng cửa, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa. Tất cả mọi người không đi vào công viên và nên ở nhà.
Nếu như qua được 15 ngày này thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu đi ra ngoài thì như đã phân tích, chỉ cần 10% dân số không thực hiện thì sẽ đổ bể chỉ thị cách ly xã hội. Hiện nay tất cả người dân phải ở trong nhà nếu không có việc cần thiết".
Sau khi có thông báo trên, dư luận thắc mắc về chế tài xử phạt người đi đường và thuộc diện nào mới không bị phạt?
|
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Chủ tịch TP Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung nêu rõ: "Việc xử phạt các đối tượng không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng là hoàn toàn có cơ sở, giống người không chấp hành đeo khẩu trang", ông Chung phát biểu trên Zing.vn.
Người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm: “Cũng trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhiều trường hợp không chấp hành đã bị xử phạt 200.000 đồng, vậy thì những vi phạm tương tự mà chỉ thị đề cập cũng có căn cứ để xử phạt”.
Căn cứ được ông Chung nhắc đến đến là việc Thủ tướng đã quyết định công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc, khẳng định đây là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Ngoài các chỉ thị về giải pháp phòng chống dịch của Thủ tướng, Chủ tịch TP Hà Nội cho biết còn nhiều văn bản pháp luật khác quy định xử lý việc không thực hiện nghiêm các giải pháp trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định”.
Điều 8 luật này nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tùy tính chất và mức độ của hành vi, người vi phạm còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Đối chiếu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chủ tịch UBND xã, phường cũng có thẩm quyền xử phạt các trường hợp này. “Vì vậy, với những trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng trong phòng chống dịch, chúng tôi hoàn toàn có đủ cơ sở xử phạt”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, Văn phòng Chính phủ cũng đã có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 16, nêu rõ các trường hợp cần thiết được ra ngoài hay những dịch vụ, cơ sở được tiếp tục hoạt động trong 15 ngày cách ly xã hội. Tất cả những trường hợp ngoài diện này, nếu không chấp hành nghiêm việc ở trong nhà, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt, kể cả với những người tụ tập đông tập thể dục.
Chủ tịch TP Hà Nội cũng nêu thực tế ở thành phố vẫn còn những quán ăn lén lút mở và còn có xe vận tải chở khách chui sau lệnh cấm. Vì vậy, cần làm quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
“Thành phố đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống trong khi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng nếu không có sự ủng hộ, chia sẻ và đồng thuận của người dân, giải pháp nào cũng không thể hiệu quả. Vì vậy, rất mong người dân chung sức cùng chính quyền”, ông Chung cho rằng không nên lo việc này tác động đến quyền lợi hay sinh hoạt mà hãy chấp nhận hy sinh để qua giai đoạn cao điểm này. Nếu không chấp hành nghiêm, dịch lây lan và bùng phát sẽ gây hậu quả rất nặng nề.
"Nếu ta qua được 15 ngày trong giai đoạn cao điểm sắp tới thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều. Chỉ cần 10% dân số không thực hiện thì sẽ đổ bể kế hoạch chống dịch”, ông Chung nhấn mạnh.
>>> Xem thêm video: Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng ngày 4/4: Việt Nam có 239 bệnh nhân nhiễm virus corona, 2 ca mới