Phật ngọc lớn nhất thế giới về Quảng Bình được chế tác như thế nào?

Google News

Phật ngọc Hòa bình Thế giới cao 2,7m, nặng trên 4 tấn được đặt ngồi trên một ngai vàng thạch cao khoảng 1,4m.

Theo lịch trình, bắt đầu từ ngày 26/3 tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới sẽ tới chùa Hoằng Phúc, ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Lễ khai mạc cung nghinh tượng Phật ngọc diễn ra 9h sáng 27/3. Tượng được tôn trí tại chùa Hoằng Phúc tới 5/4, sau đó tượng được di chuyển tới một số tỉnh như Thanh Hóa, Thái Nguyên...
Đây được xem là một sự kiện hết sức ý nghĩa đối với hàng triệu tăng ni, phật tử ở Việt Nam nói riêng và bất kỳ một đất nước nào có vinh dự được cung nghinh phật về tôn trí tại chùa nói chung. Vậy, tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới được chế tác như thế nào? Và tại sao tượng Phật ngọc lại lần lượt được tôn trí ở rất nhiều ngôi chùa trên khắp thế giới?.
Tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới. (Nguồn: phatgiao.org.vn) 
Tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới được chế tác từ khối ngọc thạch có trọng lượng 18 tấn được gọi tên là “Polar Pride” có nghĩa là “Niềm kiêu hãnh Bắc cực”.
Khối ngọc thạch này được phát hiện tại Bắc Canada vào năm 2000 và được các nghệ nhân Nepal, Ấn Độ và Thái Lan chạm khắc theo nguyên mẫu tượng Phật Thích ca tại thánh địa Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ).
Việc chế tác diễn ra tại Thái Lan, đến cuối năm 2008 pho tượng Phật ngọc được hoàn tất với các nghi lễ chú nguyện được tổ chức, pho tượng ngọc chính thức được đặt tên là Phật ngọc Hòa bình Thế giới.
Khi hoàn thành, Phật ngọc cao 2,7m, nặng trên 4 tấn được đặt ngồi trên một ngai vàng thạch cao khoảng 1,4m, tổng cộng trọng lượng của tượng Phật ngọc sau khi lắp đặt xong nặng gần 8 tấn. Vì vậy, tượng Phật ngọc này được xem là một kỳ quan của Thế giới.
Từ đó đến nay, tượng Phật có một không hai này được nghinh đón và tôn trí ở các nước: Úc, Mỹ, các nước châu Âu, châu Á.
Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên có vinh dự được đón tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới vào năm 2009. Tượng đã được tôn trí và chiêm bái tại các chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng), chùa Đại Tòng Lâm (Bà Rịa – Vũng Tàu), chùa Phổ Quang, chùa Hoằng Pháp (Tp.HCM), chùa Vạn An (Đồng Tháp), chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, mục đích của việc đưa Phật ngọc về các chùa Việt Nam để cầu hòa bình cho đất nước, mưa thuận gió hòa.
“Đây được xem là một duyên lành khi Phật Ngọc hòa bình thế giới được tôn trí ở Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng, là một cơ hội để đồng bào và tăng ni, phật tử được chiêm bái, cũng như nhận được nguồn năng lượng dồi dào của Phật Ngọc hòa bình thế giới, đem lại sự may mắn, tâm bình an và mọi điều tốt lành nhất”, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian tôn trí Phật ngọc, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải đảm bảo an ninh trật tự, giao thông một cách tốt nhất.
Theo thông tin từ ban tổ chức, mỗi ngày sẽ có khoảng 7000 đến 10.000 hộp cơm chay phát miễn phí cho du khách thập phương tới chiêm bái tượng Phật ngọc tại chùa Hoằng Phúc.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)