Sáng 16/3, cha mẹ bị cáo Vũ Văn Tiến (bị can trong vụ án thảm sát Bình Phước) là bà Vũ Thị Thi và ông Vũ Duy Hiền đã gặp luật sư Lê Văn Nam (người nhận lời bào chữa miễn phí cho Tiến) để trao đổi về phiên xử phúc thẩm sắp tới.
Luật sư Nam đưa ra một lá đơn xin cứu xét do ông viết kèm chữ ký của khoảng 10.000 người dân trên cả nước xin cho Tiến một con đường sống. Những chữ ký này do gia đình Tiến đi xin, một số trường hợp tự nguyện tìm đến ký tên.
Lá đơn có nội dung: "Chúng tôi là những người dân lương thiện và vô cùng bất bình, phẫn nộ trước tội ác mà Nguyễn Hải Dương đã gây ra. Chúng tôi vô cùng thương xót cho nỗi đau thương mất mát của gia đình 6 nạn nhân và cũng thấu hiểu những bi kịch mà gia đình Tiến đang gánh chịu.
|
Bố mẹ Vũ Văn Tiến. Ảnh: K.T. |
Chúng tôi cảm thông cho tình cảnh trớ trêu mà Tiến dính phải. Suy cho cùng, Tiến cũng là một nạn nhân của Dương. Vì thế, bằng chữ ký thay cho lời thỉnh cầu, chúng tôi mong các cơ quan chức năng xem xét cho Tiến một con đường sống".
Luật sư Nam cho biết, ông vừa vào trại giam gặp Dương để hỏi thêm một số tình tiết để bào chữa cho Tiến tại phiên phúc thẩm sắp tới. Dương nói rằng Tiến rất hiền, chắc chắn sẽ không dám cãi lời nên mới lôi kéo cùng thực hiện tội ác. Trước khi giết một người, Dương ra lệnh "làm đi Tiến" để bị cáo này siết cổ nạn nhân. Theo lời Dương thì sau khi siết cổ nạn nhân bất tỉnh, Tiến đều bỏ ra ngoài hoặc ngoảnh mặt đi nơi khác, không dám nhìn Dương dùng dao đâm người.
Chữ ký xin giảm án của người dân có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, chữ ký người dân xin giảm án cho bị cáo không có trong danh mục các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 46 quy định: Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Tùy vào từng phiên tòa mà HĐXX sẽ xem xét chữ ký xin giảm án của người dân có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không.
"Dương nói rằng anh ta gây tội thì phải chịu, nhưng rất hối hận vì đã lôi kéo Tiến vào con đường tội ác. Anh ta khẩn cầu tôi bằng mọi cách cứu lấy Tiến", luật sư Nam thông tin.
Theo lịch, sáng 21/3 sẽ xét xử thảm sát Bình Phước cùng 3 vụ án khác tại phòng xử án C, TAND cấp cao tại TP HCM. Tuy nhiên, đến ngày 14/3, Vũ Văn Tiến vẫn chưa nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Đồng thời, tại phiên phúc thẩm lần này, Tiến tiếp tục yêu cầu luật sư Nam bào chữa cho mình. Tuy nhiên, Tòa cấp cao không triệu tập ông Nam mà chỉ định người khác, mặc dù vị luật sư này có giấy chứng nhận bào chữa cho bị cáo trong vụ thảm sát. Theo quy định pháp luật, giấy chứng nhận bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ khi bị cáo không yêu cầu hoặc luật sư không được tham gia bào chữa theo quy định pháp luật.
Luật sư Nam cho biết, ông sẽ kiến nghị hoãn phiên tòa phúc thẩm sắp tới để tòa cấp cao đưa vụ án ra xét xử theo trình tự, đúng quy định của pháp luật. Bố mẹ Tiến cũng tiếp tục yêu cầu luật sư Nam bào chữa cho con mình. Lý do họ đưa ra là luật sư Nam đã theo bào chữa cho Tiến từ những ngày đầu nên nắm rất rõ những tình tiết trong vụ án thảm sát. Nếu luật sư khác mới tiếp xúc vụ án sẽ không hiểu vụ việc, ảnh hưởng đến việc bào chữa sẽ gây thiệt thòi về quyền lợi cho Tiến.
Mẹ Tiến cho biết, tại buổi gặp gần đây, Tiến có phần trắng hơn, mập hơn. Bị cáo này được quản giáo đánh giá "nghe lời" nhất trong số các tử tù. Gặp nhau, mẹ con Tiến cũng chỉ biết hỏi han vài câu rồi ngồi khóc.
Mời quý độc giả xem video: