Phán quyết Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Khi nào thi hành án tử hình?

Google News

(Kiến Thức) - HĐXX giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải đã đưa ra phán quyết “không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao". Dư luận quan tâm, khi nào thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải?

Sau 3 ngày làm việc, chiều 8/5, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải đã đưa ra phán quyết “không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao". Đồng nghĩa với việc, có đủ căn cứ để khẳng định Hải đã thực hiện hành vi phạm tội với hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi.
Phan quyet Giam doc tham vu Ho Duy Hai: Khi nao thi hanh an tu hinh?
Phó chánh án Nguyễn Trí Tuệ đọc quyết định giám đốc thẩm. Ảnh: TTXVN 
Dư luận quan tâm, sau phán quyết giám đốc thẩm như trên, khi nào sẽ thi hành án tử hình?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, bản án tử hình sẽ được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.
Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Theo luật Thi hành án hình sự 2019 đã được Quốc Hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019 quy định rõ về trình tự, thủ tục thi hành các bản án hình sự đối với những tội phạm. Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Chánh án Tòa án đã xét xử ra quyết định thi hành án tử hình. Quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án.
Luật sư Bình cho rằng, thi hành án tử hình là việc “tước bỏ quyền sống của người bị kết án tử hình về tội đặc biệt nghiêm trọng nhằm trừng trị người đó và giáo dục, phòng ngừa chung”. Việc thực thi án tử hình đối với một phạm nhân bị kết án tử hình (hay còn gọi là tử tù) thuộc về Hội đồng thi hành án tử hình.
Phan quyet Giam doc tham vu Ho Duy Hai: Khi nao thi hanh an tu hinh?-Hinh-2
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Hội đồng thi hành án tử hình bao gồm đại diện Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan quản lý thi hành án hình sự. Hội đồng này được thành lập bởi vị Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm vụ án này. Vị Chánh án này cũng là người ra quyết định thi hành án tử hình với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình.
“Hội đồng thi hành án tử hình có nhiệm vụ lên kế hoạch thi hành án và tổ chức chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thi hành án, công bố các quyết định có liên quan đến việc thi hành án tử hình, quyết định thời gian, địa điểm, hình thức táng, những cơ quan, tổ chức, người cần huy động, những nội dung cần giữ bí mật, thống nhất kế hoạch thực hiện và phân công trách nhiệm cho từng thành viên Hội đồng” – luật sư Bình cho hay.
>>> Mời độc giả xem video Vụ Hồ Duy Hải: Hội đồng thẩm phán biểu quyết bác kháng nghị

Nguồn: VTC Now.

Căn cứ nào HĐXX giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải bác đơn kháng nghị?
Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TAND tối cao thay mặt Hội đồng Thẩm phán đọc bản án nêu rõ các căn cứ để Hội đồng Thẩm phán quyết định không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao đối với các nội dung trong vụ án Hồ Duy Hải.
Theo đó, về kháng nghị của VKSND tối cao cho rằng: “kết luận việc Hải có mặt ở hiện trường là không có căn cứ”, Hội đồng Thẩm phán cho rằng, căn cứ vào lời khai của một số nhân chứng và của Hải, có việc chiếc xe máy có mặt ở bưu cục; lời khai của Hải phù hợp với lời khai của các nhân chứng về đặc điểm mái tóc của Hải (chẻ 2 mái), áo của Hải. Lời khai cũng phù họp với người bán trái cây về việc Hải đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây. Lời khai của Hải phù hợp với vị trí, các đồ vật có mặt trong phòng, với những đặc điểm, màu sắc chỉ có thể có mặt ở hiện trường mới có thể mô tả chính xác.
Do đó, Hội đồng Thẩm phán cho rằng, đủ có chứng cứ kết luận Hải có mặt tại hiện trường và kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao là không đúng.
Về kháng nghị cho rằng, Hải không thể có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trước 19h39 phút 22 giây, Hội đồng Thẩm phán nêu dẫn chứng về việc nhân chứng Đinh Vũ Thường có mặt ở bưu điện trước thời điểm nêu trên và khai có nhìn thấy thanh niên ngồi trên ghế salon, lời khai của Hải phù hợp với lời khai của nhân chứng. Do đó, kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19h30 phút là có cơ sở và kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao là không có căn cứ.
Kháng nghị cho rằng nhiều chứng cứ chưa được thu thập, đánh giá, lời khai của bị cáo còn nhiều mâu thuẫn… Hội đồng Thẩm phán cho rằng, lời khai có nhiều mâu thuẫn như kháng nghị, nhưng điều này phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm và chứng tỏ cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm không mớm cung, bức cung bị cáo. Mặc dù lời khai có mâu thuẫn, nhưng không nhất thiết phải hủy án để điều tra lại.
Về kháng nghị nêu việc có nhiều mâu thuẫn lớn trong thu thập chứng cứ, như đêm đó Bưu điện Cầu Voi có nước hay không, không có dấu vết va đập trên lavabo dù Hồ Duy Hải khai đập đầu nạn nhân vào lavabo…Hội đồng Thẩm phán cho rằng, lời khai của các nhân chứng phù hợp với lời khai của Hải về việc bưu điện có nước vì có giếng nước riêng, nên có cơ sở kết luận tối đó Bưu điện Cầu Voi không mất nước như lời khai của Hải.
Về việc không có dấu vết máu trên cánh cổng sau, dù lời khai cho biết Hải trèo cổng sau tẩu thoát sau khi cắt cổ chị Hồng bị máu bắn lên người là không phù hợp. Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cho rằng, Hải khai đã vào nhà vệ sinh rửa sạch máu, nên việc này không mâu thuẫn với lời khai của Hải, không nhất thiết phải điều tra lại.
Ngoài ra về dấu vân tay thu thập được ở hiện trường không có của Hồ Duy Hải, là dấu vân tay của ai cũng chưa được làm rõ. Hội đồng Thẩm phán cho rằng, căn cứ vào các lời khai của bị cáo phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai của nhân chứng… đủ căn cứ để khẳng định Hồ Duy Hải có hành vi phạm tội.
Kháng nghị cho rằng có mâu thuẫn trong việc tiêu thụ tài sản. Hội đồng Thẩm phán cho rằng, các tài sản Hải khai đã tiêu thụ phù hợp với lời khai của bố chị Hồng, chị Hiếu (bạn của chị Hồng và chị Vân), của các nhân chứng khác về tài sản của chị Hồng, chị Vân và tài sản của bưu điện bị mất. Khi cho Hải nhận dạng các tài sản bị mất, Hải thừa nhận đã chiếm đoạt các tài sản này. Hải có khai chi tiết và vẽ sơ đồ nơi Hải tiêu thụ điện thoại, hành trình tiêu thụ tài sản, chôn simcard điện thoại… phù hợp với lời khai của các nhân chứng. Từ những bằng chứng nêu trên, chỉ có người tiêu thụ tài sản mới có thể biết các chi tiết trên, nên không nhất thiết phải điều tra lại.
Kháng nghị mâu thuẫn trong việc Hải trở về nhà, nhưng Hội đồng Thẩm phán cho rằng đây không phải chi tiết chứng minh hành vi phạm tội nên không nhất thiết phải điều tra lại.
Về kháng nghị nêu các chứng cứ thu được như con dao, thớt, ghế… không phải công cụ gây án, không đủ căn cứ để xác định tội phạm, Hội đồng Thẩm phán cho rằng lời khai của Hải phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường và các nhân chứng thu dọn hiện trường. Mặc dù Hải có nhiều lời khai mô tả thớt không đúng về độ dày, kích thước thớt; nhưng lời khai của các nhân chứng, Hải nhận dạng chiếc thớt, con dao các nhân chứng đã nhìn thấy. Do đó, việc mua thớt và dao chỉ phục vụ việc nhận dạng vật tương tự và phục vụ điều tra chứ không phải để khẳng định tội phạm như kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Về kháng nghị liên quan đến thời điểm chết của nạn nhân, Hội đồng Thẩm phán đồng ý đây là thiếu sót, nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Về việc khám nghiệm tử thi, kháng nghị cho rằng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi một người vừa khám nghiệm hiện trường vừa khám nghiệm tử thi, Hội đồng Thẩm phán cho rằng, kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao là không đúng.
Kháng nghị nội dung không đưa lời khai ban đầu của Hải và một số nhân chứng khác vào hồ sơ, Hội đồng Thẩm phán cho rằng đây là thiếu sót của cơ quan điều tra, nhưng tại phiên giám đốc thẩm Cơ quan điều tra đã công bố các tài liệu này và không ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không nhất thiết phải điều tra lại. Việc sửa chữa biên bản ghi lời khai, Hội đồng Thẩm phán cho rằng đây là thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra, nhưng các sai sót đó không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Hội đồng Thẩm phán thừa nhận cơ quan điều tra đã có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, không trưng cầu giám định kịp thời, biên bản giám định không có người chứng kiến, biên bản ghi lời khai có sửa chữa, không đưa vào hồ sơ một số lời khai… theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao là đúng, nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Đề nghị cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An kiểm điểm nghiêm túc các sai phạm trên.
Trong những thời điểm quan trọng, Hải đều nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt. Quá trình xem xét vụ án không có bằng chứng Hải bị bức cung, nhục hình; không có bằng chứng chứng minh Hải ngoại phạm; có nhiều chi tiết chỉ có người có mặt ở hiện trường và thực hiện hành vi mới có thể biết được. Do đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cho rằng có đủ căn cứ để khẳng định Hải đã thực hiện hành vi phạm tội với hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)